Gò Công Đông phát triển cây màu thích ứng biến đổi khí hậu

(THTG) Hiện nay, huyện Gò Công Đông đang có nhiều nỗ lực chuyển dịch cơ cấu sản xuất phù hợp, phát huy tiềm năng trồng rau màu thích ứng biến đổi khí hậu, giúp nhân dân vùng ven biển tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

vlcsnap-2023-02-15-14h45m09s065.png

vlcsnap-2023-02-15-14h45m20s768.png

Rau màu thích ứng biến đổi khí hậu đem lại nguồn thu nhập khá cho nông dân.

Tính đến cuối tháng 01-2023, nông dân huyện Gò Công Đông trồng được 4.488 ha màu thực phẩm trong vụ Đông Xuân năm 2022 – 2023. Trong đó, có 125 ha xuống giống luân canh dưới chân ruộng, chủ yếu là dưa hấu và một số loại rau ăn quả như: bầu, bí, mướp, khổ qua…

Đáng chú ý, huyện Gò Công Đông đã tích cực chuyển giao khoa học – kỹ thuật, hình thành các hợp tác xã trồng rau an toàn, trồng theo hướng VietGAP,… như: Hợp tác xã rau an toàn Tân Đông, Hợp tác xã rau an toàn Bình Nghị… Các hợp tác xã đã tổ chức lại sản xuất, tập hợp nông dân và liên kết sản xuất – tiêu thụ, bảo đảm đầu ra cho nông sản hàng hóa.

Các hợp tác xã ứng dụng rộng rãi khoa học – công nghệ, đầu tư nhà màng, nhà lưới trồng rau an toàn, cho ra sản phẩm chất lượng tốt, an toàn cho sức khỏe và môi trường được các doanh nghiệp, bếp ăn tập thể, siêu thị trong và ngoài tỉnh bao tiêu với giá ổn định, có lãi. Bình quân, các hợp tác xã cung ứng cho các đối tác từ 04 – 06 tấn rau/ngày. Các loại rau màu chủ lực của địa phương hiện có giá cao, nông dân an tâm đẩy mạnh sản xuất và ứng phó hiệu quả hạn, mặn, giảm nhẹ thiên tai.

                                                 Tin và ảnh: Quốc Toàn