Làm sao để không còn cảnh nông dân chặt bỏ thanh long?

(THTG) Trong ngành hàng cây ăn trái có lẽ thanh long là loại trái cây chịu nhiều thăng trầm nhất do biến động của thị trường. Hiện thanh long gần như lệ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc nên biến động liên tục, có thời điểm lao đao khi  thị trường tỷ dân này đóng băng dẫn đến tình trạng người dân chặt bỏ thanh long, rồi đến khi giá bán nhích lên thì ồ ạt trồng lại. Vấn đề đặt ra là cần có giải pháp sản xuất thanh long ổn định để không còn tình trạng “chặt rồi trồng, trồng rồi chặt”.

Sau thời gian dài giá bán thanh long đứng ở mức thấp, một số hộ cầm cự không xong, đành chặt bỏ thanh long trồng các loại cây khác. Từ cuối năm 2022 đến nay, giá bán phục hồi, thu được lãi cao, họ lại ồ ạt khôi phục lại diện tích thanh long đã chặt bỏ mà không chắc chắn được trong tương lai giá cả biến động như thế nào. Vì vậy, chủ trương của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang là vẫn xem thanh long là cây trồng chủ lực trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp, khuyến cáo nông dân không nên phát triển thêm diện tích mà cần đầu tư chăm sóc, phòng trừ dịch hại diện tích hiện có, đặc biệt là sản xuất rải vụ để không cùng một lúc thu hoạch sản lượng lớn dẫn đến dội chợ thì ắt bị rớt giá.

vlcsnap-2023-03-15-17h57m17s644.png

vlcsnap-2023-03-15-17h57m36s383.png

Cần có những giải pháp cụ thể, hiệu quả để tránh tình trạng chặt bỏ ồ ạt khi thanh long rớt giá…Ảnh: Minh Trí

Giải pháp chủ chốt là áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất thanh long bởi đây là loại trái cây xuất khẩu, rất cần chất lượng, mẫu mã đẹp, nhất là phải bảo đảm an toàn thực phẩm để vượt qua các cửa kiểm soát thực vật của các nước nhập khẩu. Điều cần làm là nông dân tích cực tham gia vào tổ hợp tác hoặc hợp tác xã, sản xuất diện tích lớn, áp dụng chung một quy trình canh tác để sản phẩm cùng chung một chất lượng, đặc biệt là sản xuất tập thể sẽ dễ dàng hơn trong việc cấp mã số vùng trồng, liên kết tiêu thụ.

vlcsnap-2023-03-15-17h23m42s523

… và trồng lại khi nhích giá. Ảnh: Minh Trí

Để khai thác tiềm năng của cây thanh long, nhất là khắc phục tình trạng chặt rồi trồng, trồng rồi chặt, hiện các cấp các ngành trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất phù hợp, nhất là tập trung chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, cấp mã số vùng trồng, đặc biệt là liên ngành nông nghiệp và công thương phối hợp cùng nhau thực hiện nhiều giải pháp giải quyết về đầu ra theo phương châm “xuất khẩu là chủ yếu, song cũng chủ động khai thác thị trường nội địa”. Riêng chính quyền các địa phương kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển ngành chế biến, góp phần tiêu thụ trái thanh long tươi./

Kim Nữ