WHO: 1/6 người trưởng thành bị vô sinh – hiếm muộn
Tỉ lệ vô sinh – hiếm muộn trung bình ở người trưởng thành trên toàn thế giới là 17,5%, cho thấy tính cấp thiết của việc tăng khả năng tiếp cận dịch vụ hỗ trợ sinh sản – Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhấn mạnh.
Theo ông, các chính phủ cần đảm bảo những cách an toàn, hiệu quả và giá cả phải chăng để đạt được quyền làm cha mẹ luôn sẵn có cho những người tìm kiếm nó.
Tiến sĩ Tedros cho rằng cần bảo đảm quyền làm cha mẹ luôn sẵn có cho những người tìm kiếm nó, thông qua các chính sách về hỗ trợ sinh sản – Ảnh: WHO
Theo báo cáo, khoảng 17,5% dân số trưởng thành – tức khoảng 1/6 – bị vô sinh, cho thấy nhu cầu cấp thiết phải tăng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sinh sản chất lượng cao cho những người có nhu cầu.
Các ước tính mới cho thấy sự khác biệt hạn chế về tỉ lệ vô sinh giữa các vùng. Tỷ lệ lưu hành suốt đời là 17,8% ở các nước có thu nhập cao và 16,5% ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, cho thấy đây là vấn đề phổ biến bất kể mức sống và điều kiện chăm sóc y tế khác nhau.
Vô sinh – hiếm muộn là một bệnh của hệ thống sinh sản nam hoặc nữ, được định nghĩa là không thể mang thai sau 12 tháng trở lên quan hệ tình dục thường xuyên mà không dùng bất kỳ biện pháp ngừa thai nào.
Bất chấp mức độ nghiêm trọng của vấn đề, các giải pháp phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị vô sinh – bao gồm cả công nghệ hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) – vẫn bị thiếu vốn và nhiều người không thể tiếp cận được do chi phí cao, sự kỳ thị của xã hội và nguồn cung hạn chế.
Hiện tại, ở hầu hết các quốc gia, các phương pháp điều trị sinh sản phần lớn do cá nhân chi trả, ngăn cản mọi người tiếp cận các phương pháp điều trị vô sinh hoặc ngược lại, có thể đẩy họ vào cảnh nghèo đói do việc điều trị, nhất là ở các quốc gia thu nhập thấp.
Tiến sĩ Pascale Allotey, Giám đốc Nghiên cứu và Sức khỏe Sinh sản và Tình dục tại WHO cho biết: “Hàng triệu người phải đối mặt với chi phí chăm sóc sức khỏe thảm khốc sau khi tìm cách điều trị chứng vô sinh, khiến đây trở thành vấn đề về công bằng lớn và thường xuyên trở thành cái bẫy nghèo đói về y tế đối với những người bị ảnh hưởng. Các chính sách và nguồn tài chính công tốt hơn có thể cải thiện đáng kể khả năng tiếp cận điều trị và nhờ đó bảo vệ các hộ gia đình khó khăn”.
Mặc dù báo cáo mới cho thấy bằng chứng thuyết phục về tỉ lệ vô sinh cao trên toàn cầu, nhưng nó nhấn mạnh việc thiếu dữ liệu dai dẳng ở nhiều quốc gia và một số khu vực. Nó kêu gọi cung cấp nhiều dữ liệu quốc gia được phân tách theo độ tuổi và nguyên nhân để giúp định lượng vô sinh cụ thể hơn, cũng như biết ai cần hỗ trợ sinh sản và làm thế nào để giảm thiểu rủi ro.
Nguon NLD
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.