Tiền Giang và bài học kinh nghiệm trong phòng chống hạn mặn

(THTG) Có thể nói đến thời điểm này, tỉnh Tiền Giang đã vượt qua xâm nhập mặn mùa khô 2022-2023, với kết quả tích cực là bảo vệ an toàn sản xuất nông nghiệp và bảo đảm cung cấp đủ nước sinh hoạt cho nhân dân. Từ đây, tỉnh đã rút ra được một số bài học kinh nghiệm, làm cơ sở ứng phó với hạn, xâm nhập mặn những năm tiếp theo.

vlcsnap-2023-05-04-15h23m31s564.png

vlcsnap-2023-05-04-15h23m40s147.png

Tiền Giang vượt qua hạn mặn mùa khô 2022-2023, bảo vệ tốt vườn cây ăn trái. Ảnh: Lê Thi

Trước hết là các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh quán triệt và xem công tác phòng chống hạn mặn giữ vị trí quan trọng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Từ đó chủ động xây dựng phương án ứng phó linh hoạt, phù hợp với diễn biến hạn mặn và cần phải thực hiện trước khi mặn đến. Điển hình như trong mùa hạn mặn vừa qua, các địa phương đã chủ động nạo vét nạo vét 499 tuyến kênh, chiều dài hơn 586.000 mét, khối lượng trên 2,1 triệu mét khối, đồng thời sửa chữa, nâng cấp công trình được giao theo phân cấp.

Riêng đối với các vùng dự án, khi ngăn mặn phải có nguồn nước ngọt bổ cấp, phải tính toán lại việc trữ nước khi cống đóng ngăn mặn. Bên cạnh đó, cần rà soát lại quy hoạch thủy lợi của từng vùng dự án, đẩy nhanh việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với hạn mặn, nhất là khuyến cáo lịch thời vụ sản xuất né mặn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, tránh bị động trong điều kiện hạn mặn.

Điều quan trọng nhất là phải nâng cao nhận thức, năng lực của người dân trong phòng chống, ứng phó hạn hán và xâm nhập mặn thông qua tổ chức thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền. Phát huy tính sáng tạo trong nhân dân, nhân rộng các mô hình hay về thích ứng với hạn mặn và khuyến khích người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào quá trình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu./

Kim Nữ