Về thăm Ao Dinh
Theo truyền thuyết của địa phương kể lại rằng: Vào lối 3 giờ chiều ngày 18 tháng 7 âm lịch năm 1864, tướng Trương Công Định cảm thấy trong người bần thần bứt rứt khó chịu. Ông muốn đi Lý Nhơn, nên gọi hai hộ vệ bảo sửa soạn ghe thuyền đưa Ngài đi. Nhưng có người thuộc tướng tên gọi Xã Tài, năn nỉ cầm Ngài ở lại vì anh đang làm tiệc rượu sắp dọn ra. Vì thế Ngài hoãn chuyến đi Lý Nhơn.
Vì không ngờ tiệc rượu của Xã Tài đã có ý lập mưu cùng Huỳnh Công Tấn hãm hại nên đêm ấy, sau buổi tiệc, Trương Công Định ngủ lại tại nhà Xã Tài cùng vài binh lính thân tín. Đến nửa đêm, Huỳnh Công Tấn phản bội dẫn đường cho quân Pháp đem binh lính đến bao vây.
Ngài phá vòng vây thoát ra ngoài nhưng bị Tấn bắn một phát quỵ xuống. Tấn khuyên Trương Công Định ra hàng. Ngài tuốt gươm chỉ vào mặt Tấn mắng nhiếc rồi tự đâm vào bụng tự sát… Khi ấy Ngài tròn 44 tuổi. Đó là sáng ngày 20-8-1864, tức ngày 18-7 năm Giáp Tý.
Trước sự hy sinh của người anh hùng lãnh đạo cuộc kháng chiến, dân chúng và nhất là giới sĩ phu hết lòng thương tiếc, trong số những bài thơ của tác giả vô danh ca ngợi Trương Công Định có những câu:
“Gò Công mấy trận thắng Gò Bầu;
Địa hiểm, Trương Công dụng võ mầu;
Quốc biến loạn thần cùng phản tặc;
Một trung, hai nịnh khó đương đầu”
(“Một trung” là Trương Công Định, “hai nịnh” là Huỳnh Công Tấn và Xã Tài, lập mưu giết chủ tướng)
Ngày 20-8-2004, địa danh “Ao Dinh” ở xã Gia Thuận được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VHTT$DL) trao bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia cùng những địa điểm có liên quan đến khởi nghĩa Trương Định.
Hiện nay, di tích lịch sử “Ao Dinh” đã được xây dựng lại với khuôn viên bao quanh và có một người trông coi, nhang khói.
Theo Phòng Văn hóa thông tin huyện Gò Công Đông, di tích “Ao Dinh” đã được nhiều người dân đến tham quan không những vào dịp lễ giỗ của Anh hùng dân tộc Trương Định mà còn vào những ngày thường.
Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng Phòng Văn hóa thông tin huyện cho biết: Cùng với những địa điểm có liên quan đến cuộc khởi nghĩa Trương Định, di tích “Ao Dinh” đã trở thành một địa chỉ đỏ để giáo dục lòng yêu nước và tự hào của dân tộc.
Nguồn VanngheTienGiang
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.