Quốc hội xem xét báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021

(THTG) Sáng nay, 24-5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội xem xét các báo cáo về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2021, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã nghiêm túc thực hiện chi ngân sách bám sát dự toán được giao; rà soát, cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để tập trung nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19.

vlcsnap-2023-05-24-09h46m42s830.png

vlcsnap-2023-05-24-09h46m48s202.png

Quang cảnh Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV vào sáng 24/5. 

Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; việc tổ chức triển khai thực hiện một số chính sách đảm bảo an sinh xã hội còn chậm; số chuyển nguồn kinh phí sang năm sau còn lớn; việc quản lý sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước ở một số bộ, ngành, địa phương còn sai phạm; việc chấp hành thời hạn báo cáo quyết toán chưa đảm bảo theo đúng quy định.

Chính phủ đã trình Quốc hội quyết toán NSNN năm 2021 với tổng số thu cân đối là: 2.387.906 tỷ đồng; tổng số chi cân đối là: 2.484.439 tỷ đồng.

Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Đây là Dự án đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4. Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đã phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức Hội thảo khoa học, làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học, một số cơ quan là đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp của dự thảo Luật để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, dự thảo Luật trình xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội đã được chỉnh lý 55 điều.

Những vấn đề còn ý kiến khác nhau được các đại biểu tập trung thảo luận là: Phạm vi áp dụng luật đấu thầu; Các hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; Quy trình thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; Trách nhiệm của các bên và giải quyết kiến nghị, khiếu nại trong đấu thầu./.

Tin và ảnh: Minh Trí