16 tỉnh, thành tham gia Tuần Văn hóa Du lịch Di sản xanh
Các hoạt động của “Ngày di sản văn hoá Việt Nam lần thứ 9 – Ngày về nguồn 23/11” diễn ra liên tục trong 5 ngày tại Hà Nội.
“Tuần Văn hóa Du lịch Di sản xanh, nơi gặp gỡ con người và thiên nhiên” sẽ diễn ra tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (Hoa Lư, Hà Nội), kéo dài từ 19 – 23/11. Hoạt động này do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tổ chức.
Tại cuộc họp báo sáng ngày 8/11, BTC cho biết đến thời điểm này, có 16 tỉnh, thành phố tham gia ngày hội. Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Vương Duy Biên nhấn mạnh: “Tuần Văn hóa Du lịch Di sản xanh, nơi gặp gỡ con người và thiên nhiên” là hoạt động tôn vinh và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên độc đáo của Việt Nam, đặc biệt Di sản thiên nhiên Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Đây cũng là cơ hội để quảng bá, giới thiệu tiềm năng văn hóa, thương mại và sức hấp dẫn của du lịch sinh thái tại các di sản thiên nhiên thế giới, khu dự trữ sinh quyển, vườn di sản ASEAN…”
Buổi họp báo “Tuần Văn hóa Du lịch Di sản xanh, nơi gặp gỡ con người và thiên nhiên” sáng 8/11 (ảnh: Mai Hồng) |
Bên cạnh đó, còn có các triển lãm khác: “Khu dự trữ sinh quyển – nơi gặp gỡ con người và thiên nhiên”, do Ủy ban Quốc gia chương trình con người và sinh quyển Việt Nam (MAB) thực hiện, giới thiệu 8 khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam; “Triển lãm Bảo tàng tài nguyên Rừng Việt Nam – nơi gặp gỡ con người và thiên nhiên”, do Bảo tàng Tài nguyên Rừng Việt Nam kết hợp với UNESCO phối hợp thực hiện, nhằm giúp người dân có thêm những kiến thức và nhận thức rõ hơn vai trò to lớn của rừng đối với sự sống của con người, đặc biệt đối với thế hệ trẻ hiện nay. Qua đó, hoạt động còn nhằm tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo vệ rừng, vai trò, giá trị của tài nguyên rừng đối với cuộc sống.
Ngoài khu trưng bày chung, còn có khu triển lãm riêng của các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Bắc Kạn, Hà Giang, Quảng Nam, Kon Tum, Tp Hồ Chí Minh, Cà Mau… Các khu này giới thiệu những nét đẹp đặc sắc về thiên nhiên, giá trị đa dạng sinh học, nét đẹp về văn hóa, danh lam thắng cảnh, sinh hoạt đời sống hằng ngày gắn với môi trường thiên nhiên tại các di sản thiên nhiên thế giới, khu dự trữ sinh quyển, vườn di sản ASEAN, các vườn quốc gia. Tiêu biểu, có thể kể đến như: không gian di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long; không gian di sản thiên nhiên thế giới đề cử – quần đảo Cát Bà; vườn quốc gia Xuân Thủy – Nam Định; khu dự trữ sinh quyển Tiền Hải và Thái Thụy – Thái Bình; công viên đá Hà Giang; vườn quốc gia Ba Bể – Bắc Kạn; vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng; khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ; Vườn quốc gia U Minh Hạ…
Tại các khu trưng bày còn giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch sinh thái, các sản phẩm du lịch, sản vật đặc trưng tiêu biểu được nuôi, trồng trong các khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên của địa phương.
Ngoài ra tại đây còn có Không gian gặp gỡ trà đạo; Vườn ươm doanh nghiệp (ATECASE); Triển lãm đổi mới tư duy để phát triển bền vững từ Di sản xanh vì cộng đồng. Khu vực giới thiệu ẩm thực giới thiệu các món ăn đặc trưng, các món ăn được chế biến từ sản phẩm nuôi trồng tại các khu dữ trữ sinh quyển của các tỉnh, thành phố…
Trong khuôn khổ “Tuần Văn hóa Du lịch Di sản xanh, nơi gặp gỡ con người và thiên nhiên”, còn có nhiều hội thảo, tọa đàm như: hội thảo “Văn hóa trong bảo tồn và phát triển các khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam”; hội thảo “Phát triển kinh tế từ di sản xanh những lợi thế và thách thức; tọa đàm “Dược liệu y học cổ truyền thiên nhiên với cuộc sống của con người”; hội nghị xúc tiến du lịch.
Vào tối 23/11, chương trình “Đêm tôn vinh Di sản Xanh Việt Nam” sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam.
Hàng ngày, tại các khu trưng bày triển lãm sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật của các tỉnh, thành phố tham dự “Ngày di sản văn hoá Việt Nam lần thứ 9 – Ngày về nguồn 23/11” như: Hội thi thả chim bồ câu, chương trình “Dân ca quan họ Bắc Ninh”, ca trù, hát chầu văn (Hà Nội), đờn ca tài tử (TP.HCM), biểu diễn múa rối nước, hát văn, chèo (Nhà hát múa rối nước, Nam Định, Thái Bình), hát giao duyên về biển (Quảng Ninh), hát bài chòi (Quảng Nam)… và chương trình biểu diễn nghệ thuật với chủ đề “Vì một hành tinh xanh”.
“Ngày về nguồn 23/11” cũng có các hoạt động thiết thực như: tổ chức học sinh, sinh viên đến triển lãm tham quan, học tập ngoại khoá tìm hiểu về di sản thiên nhiên, giao lưu văn hóa nghệ thuật. Các hoạt động này nhằm hưởng ứng sự kiện với chủ đề: “Tuổi trẻ với di sản Việt Nam – Hành trình về với thiên nhiên”./.
Nguồn Mai Hồng/ VOV1
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.