Ninh Bình sẵn sàng cho Hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh

“Đến nay về cơ bản công tác chuẩn bị Hội nghị này đang được khẩn trương hoàn thành, đảm bảo tiếp đón các đại biểu trọng thị, an toàn và hiệu quả trong công tác tuyên truyền, quảng bá”- ông Trần Hữu Bình- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho hay.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn- Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Hội nghị du lịch quốc tế về du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững diễn ra từ 21-22/11 tại Ninh Bình sẽ thu hút sự tham gia của 350 đại biểu, trong đó có 150 đại biểu quốc tế đến từ 30 quốc gia đăng ký tham dự. Đây là sự kiện lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam do Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) hợp tác với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức.

SONY DSC

Hội nghị sẽ là cơ hội tốt để Việt Nam nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng giới thiệu tiềm năng, sản phẩm du lịch của mình tới bạn bè quốc tế (Ảnh: Ngọc Thành)

Theo kế hoạch, trong hai ngày, Hội nghị sẽ tập trung thảo luận các nội dung: Ý nghĩa của du lịch tâm linh; giao lưu văn hóa và du lịch có trách nhiệm, tăng cường sự tương tác giữa người với người thông qua du lịch tâm linh; tính bền vững tại các điểm du lịch tâm linh – phát triển trọng tâm và quản lý có trách nhiệm; sản phẩm du lịch tâm linh – những kinh nghiệm thực tiễn. Hội nghị sẽ kết thúc với việc ra Tuyên bố Ninh Bình về du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Hội nghị sẽ là cơ hội tốt để Việt Nam nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng giới thiệu tiềm năng, sản phẩm du lịch của mình tới bạn bè quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh Khu danh thắng Tràng An đang được đề nghị UNESCO công nhận là di sản thế giới. Đây cũng là dịp để tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa du lịch Việt Nam và UNWTO, cũng như khẳng định vai trò thành viên tích cực của du lịch Việt Nam trong đại gia đình UNWTO.

Ông Trần Hữu Bình – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Việc tổ chức thành công Hội nghị sẽ khẳng định vị thế và vai trò của du lịch Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế và khu vực; thể hiện quyền và nghĩa vụ của nước thành viên trong khuôn khổ hợp tác du lịch đa phương. Đồng thời là cơ hội tốt để Việt Nam quảng bá tại chỗ đất nước, văn hóa và tiềm năng du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Ninh Bình nói riêng; góp phần khẳng định tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam”.

Trước những lo ngại về việc du khách đến với Chùa Bái Đính – một điểm đến tâm linh rất hút khách của Ninh Bình- vẫn bị hàng rong chèo kéo, làm phiền, ông Hữu Bình cho rằng: “Chính quyền địa phương đã có sự hỗ trợ tích cực cho khu vực chùa Bái Đính, không chỉ về cơ chế chính sách, điều kiện phát triển du lịch mà còn liên tục mở những lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch cho các đối tượng hướng dẫn viên, bán hàng, xe ôm, chụp ảnh… Bắt đầu từ năm 2013, những người bán hàng lưu niệm đã được quy hoạch ra khu vực đỗ xe riêng rộng 200 ha, còn lái xe ôm cũng đã được tạo điều kiện tham gia lái xe điện chở du khách… Tình hình an ninh trật tự và môi trường du lịch tại khu vực chùa Bái Đính ngày càng tốt lên. Tuy nhiên, việc làm thế nào để hài lòng tất cả du khách thì đó là cả một quá trình. Chùa Bái Đính những tháng đầu năm thu hút hàng triệu lượt du khách, lại đang trong quá trình vừa xây dựng vừa đón khách nên không thể hoàn chỉnh một sáng một chiều”.

Được biết, sự kiện Hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh tại Ninh Bình là sáng kiến của Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) sau khi đến thăm Việt Nam. Theo đánh giá của UNWTO, du lịch tâm linh là loại hình du lịch có nhiều tiềm năng phát triển đặc biệt tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Văn  Tuấn, ngành du lịch định hướng rõ ràng sẽ phát triển 3 tuyến du lịch tâm linh phía Bắc, đó là: 1. Hà Nội – Côn Sơn, Kiếp Bạc (Hải Dương) – Đông Triều, Yên Tử (Quảng Ninh)- Tràng An, Bái Đính (Ninh Bình); 2. Hà Nội – Chùa Hương- Tam Trúc Ba Sao (Hà Nam)- Tràng An, Bái Đính (Ninh Bình)- Đền Trần (Nam Định); 3. Tuyến Kinh đô Việt cổ: Đền Hùng (Phú Thọ)- Hà Nội – Hoa Lư (Ninh Bình)- Thành nhà Hồ (Thanh Hóa)- Cố đô Huế. Có những tuyến đã định hình và có những tuyến chưa định hình, nhưng đây là những tuyến du lịch tâm linh trọng điểm được ngành du lịch chú trọng và đầu tư./.

Ông Trần Hữu Bình- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, với tiềm năng và thế mạnh hiện có, Ninh Bình chú trọng đầu tư khai thác hai loại hình du lịch du lịch chính, đó là: du lịch văn hóa (trong đó có du lịch tâm linh) và du lịch sinh thái.Thế mạnh của du lịch Ninh Bình là nơi đây hội tụ nhiều di sản thiên nhiên độc đáo được kiến tạo qua hàng nghìn năm lịch sử với vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ như: Khu du lịch sinh thái Vân Long, Vườn Quốc gia Cúc Phương, Tam Cốc-Bích Động… Đặc biệt, Quần thể danh thắng Tràng An, một trong những điểm đến hấp dẫn của du lịch Ninh Bình đang được đệ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thế giới vào năm 2014. Ngoài ra, Chùa Bái Đính là một quần thể chùa lớn được biết đến với nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam được xác lập như chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á, chùa có tượng Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á… Đây là ngôi chùa lớn nhất và sở hữu nhiều kỷ lục nhất ở Việt Nam.

Theo thống kê, tính đến hết tháng 10/2013 đã có 4.179.000 lượt khách đến các địa điểm thăm quan du lịch trên địa bàn Ninh Bình, vượt kế hoạch đề ra và tăng 20,8% so cùng kỳ năm trước.

 Nguồn Tổ quốc