ĐBSCL tháo điểm nghẽn để thu hút đầu tư
Ngoài lúa gạo, thủy sản, rau quả, ĐBSCL còn nhiều tiềm năng trong lĩnh vực năng lượng, du lịch, hạ tầng đô thị… Các địa phương đang tích cực cải thiện môi trường đầu tư, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đón dự án chất lượng
Nhận diện những trở lực
Long An và TP Cần Thơ đang là 2 địa phương dẫn đầu khu vực ĐBSCL về thu hút vốn FDI với nhiều dự án nổi bật, lượng vốn đăng ký lớn.
Sáu tháng đầu năm 2023, Long An đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 39 dự án FDI với tổng số vốn 408 triệu USD. TP Cần Thơ cũng vừa cấp phép 2 dự án FDI với vốn đăng ký 154.379 USD, điều chỉnh 3 dự án tăng vốn khoảng 44,6 triệu USD. Tại Trà Vinh, nửa đầu năm nay đã thu hút 1 dự án FDI với số vốn 2,5 triệu USD…
Lĩnh vực công nghiệp chế biến ở ĐBSCL còn nhiều dư địa để thu hút nguồn vốn FDI
Ông Nguyễn Phương Lam cho rằng thu hút vốn FDI của vùng ĐBSCL từ năm 2021 đến nay có sự tăng vọt nhờ các dự án lớn, như: Dự án Nhiệt điện Ô Môn II (TP Cần Thơ) với tổng vốn khoảng 1,3 tỉ USD, dự án Nhà máy Điện khí ở Bạc Liêu với số vốn khoảng 4 tỉ USD… Tuy nhiên, nếu không tính các dự án mang tính “đột biến” này thì vốn FDI vào ĐBSCL vẫn ở mức rất thấp so với cả nước.
Trong quý I/2023, có đến 10/13 địa phương ĐBSCL không thu hút được dự án FDI nào. Nhiều chuyên gia chỉ ra những khó khăn trong việc thu hút FDI tại ĐBSCL như: suất đầu tư cao; thiếu sự chuẩn bị về quỹ đất, lao động, cơ sở hạ tầng; xúc tiến đầu tư chưa bài bản; quy trình, thủ tục còn rườm rà…
“Qua khảo sát, vấn đề nổi bật ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư là quy định trong các văn bản luật còn chồng chéo. Chẳng hạn, trong lĩnh vực đầu tư bất động sản, doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn giữa Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Nhà đất. Các dự án khi thực hiện không biết áp dụng theo luật nào” – ông Lam dẫn chứng.
Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông nội vùng và giữa ĐBSCL với các trung tâm kinh tế lớn cả nước chưa đồng bộ, thiếu tính kết nối cũng là một trong những nguyên nhân khiến DN ngại đầu tư. Theo PGS-TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam, việc vận chuyển hàng hóa xuất khẩu trong vùng ĐBSCL phụ thuộc vào cảng biển tại TP HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu, trong khi các cảng này thường xuyên quá tải. Việc này dẫn tới phí dịch vụ, lưu bãi và thời gian chờ kéo dài, chi phí logistics quá cao, trở thành gánh nặng, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm.
Xây dựng trung tâm logistics trọng điểm và phát triển đường bộ sẽ giúp ĐBSCL thu hút được nhiều dự án đầu tư hơn.Ảnh: NGỌC TRINH
Một điểm nghẽn khác tồn tại lâu nay là ĐBSCL chỉ có 3 địa phương có kho lạnh (Long An, Hậu Giang, Cần Thơ) dù là vùng xuất khẩu nông sản chủ lực. Kho lạnh không chỉ giúp dự trữ hàng hóa khi cần mà lúc nông sản dư thừa, dội chợ, DN có thể thu mua dự trữ để chia sẻ với nông dân. Tại nhiều tỉnh được xem là “thủ phủ” tôm, cá như: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, đến nay vẫn chưa có kho lạnh thương mại nào.
Đồng hành với doanh nghiệp
Thời gian qua, TP Cần Thơ đã có nhiều nỗ lực trong việc cải cách thủ tục hành chính cũng như lắng nghe ý kiến DN để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Trên tinh thần đồng hành cùng DN, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu đã đề nghị lãnh đạo UBND thành phố và các sở, ngành thiết lập kênh thông tin trao đổi trực tiếp, trực diện, tiếp xúc, lắng nghe, giải quyết những vấn đề của DN, nhất là liên quan tới chính sách ưu đãi về thuế, lãi suất ngân hàng…
UBND thành phố phân công cụ thể các sở, ngành để làm sao xem xét thấu đáo, có trách nhiệm với kiến nghị của DN, không để kéo dài. Đồng thời, Sở Nội vụ tham mưu cho UBND thành phố cải cách hành chính mạnh mẽ hơn, giảm bớt nhũng nhiễu, giấy tờ không có trong quy định và không cần thiết” – ông Nguyễn Văn Hiếu nêu rõ.
Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, để thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, tỉnh sẽ tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút các nhà đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính. Ngoài ra, tỉnh sẽ thường xuyên làm việc, tháo gỡ khó khăn và đồng hành với DN…
Trong khi đó, Trà Vinh đã tăng 25 bậc trên bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022, đứng đầu cả nước về Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) lần đầu tiên được công bố. Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho biết nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư và DN, tỉnh tiếp tục duy trì việc rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký DN và thay đổi nội dung đăng ký DN trong 1 ngày (theo quy định là 3 ngày).
“Lãnh đạo tỉnh luôn cầu thị, lắng nghe và khắc phục, cải thiện các chỉ số mà DN đánh giá chưa cao; kịp thời xử lý nghiêm đối với các đơn vị thẩm định hồ sơ không bảo đảm nội dung và thời gian theo quy định, nhằm hỗ trợ DN, nhà đầu tư sớm hoàn thành các thủ tục để đi vào hoạt động” – ông Lê Văn Hẳn nhấn mạnh.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, khu vực ĐBSCL đang triển khai đầu tư xây dựng 8 dự án đường bộ cao tốc với tổng chiều dài 463 km, tổng mức đầu tư khoảng 94.400 tỉ đồng; đến năm 2026 sẽ cơ bản hoàn thành, đưa vào khai thác. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ còn yêu cầu các địa phương ĐBSCL và bộ, ngành liên quan nghiên cứu phát triển đường thủy nội địa của khu vực, chọn điểm đột phá và khai thác tối đa tiềm năng này của ĐBSCL.
Nếu được triển khai tốt, các dự án trên sẽ giải quyết được nút thắt lớn nhất của ĐBSCL là hạ tầng. Từ đó, chi phí vận chuyển hàng hóa của DN và địa phương được kéo giảm, giúp sản phẩm trong vùng cạnh tranh tốt hơn.
Lập ban chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, vừa ký ban hành quyết định về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo hỗ trợ DN và xúc tiến đầu tư vào thành phố. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ cung cấp thông tin, hỗ trợ nhà đầu tư tìm hiểu môi trường đầu tư của Cần Thơ; xúc tiến, quảng bá hình ảnh thành phố đến các tổ chức và cộng đồng DN trong và ngoài nước; hỗ trợ thủ tục pháp lý liên quan để DN thực hiện thủ tục đầu tư.
Ban Chỉ đạo này còn có nhiệm vụ đề xuất Chủ tịch UBND TP Cần Thơ xử lý những vi phạm về hoạt động công vụ liên quan việc hỗ trợ xúc tiến đầu tư, nếu có.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.