Tiền Giang kiến nghị xây kè bảo vệ đê biển Gò Công

(THTG) Đến thời điểm này, tỉnh Tiền Giang đã xây dựng hoàn thành tuyến đê biển Gò Công có tổng chiều dài 21.200 mét. Tuy nhiên, đê biển hiện tại chỉ là giải pháp tạm thời, cần phải có công trình kè giảm sóng, gây bồi ngăn chặn xói lở chân đê thì mới là giải pháp lâu dài. Vì vậy, nhân chuyến công tác của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tại Tiền Giang vừa qua, Tiền Giang kiến nghị trung ương khẩn cấp triển khai dự án này trong thời gian sớm nhất.

Trước kia, phía ngoài bờ biển Gò Công này từng có một đai rừng phòng hộ khá dày, từ vài trăm mét đến cả cây số, đã phát huy tốt vai trò phòng hộ, bảo vệ đê, bảo vệ sản xuất và đời sống nhân dân phía trong đê. Vậy mà giờ đây, bờ biển này chỉ còn vài mảng xanh nhỏ nhoi vì hầu hết cây rừng đã bị sóng biển cuốn trôi. Gay gắt nhất là đoạn đê biển thuộc xã Tân Điền có chiều dài gần 7.000 mét. Hiện ở một số vị trí, đai rừng phòng hộ không còn, bị sóng biển đánh thẳng vào mái đê, đe dọa an toàn của chân đê.

vlcsnap-2023-08-08-09h43m21s455.png

vlcsnap-2023-08-08-09h43m37s577.png

Đoàn công tác của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai vừa khảo sát thực tế đoạn đê biển Gò Công. Ảnh: Minh Nguyên

Mặt khác, thời gian gần đây, tình hình bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện nhiều hơn với cường độ lớn hơn, diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường, gây ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng và đời sống sản xuất của người dân phía trong đê. Đặc biệt là tính mạng, tài sản và cuộc sống của người dân khu vực xung yếu này luôn bị ảnh hưởng, thường trực các mối nguy hiểm bất thường và đang gây khó khăn cho chính quyền địa phương trong lãnh đạo, hoạch định phát triển kinh tế, xã hội.

Đoàn công tác của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai vừa khảo sát thực tế đoạn đê biển này và tỉnh Tiền Giang đề xuất trung ương hỗ trợ kinh phí triển khai thực hiện dự án “Xói lở bờ biển Gò Công”, đoạn từ cầu Rạch Bùn đến Đèn Đỏ, có tổng chiều dài 7.000 mét. Do tính chất phức tạp của thiên tai nên tỉnh đề xuất xây kè giảm sóng, gây bồi, sử dụng cấu kiện bê tông cốt thép đúc sẵn lắp đặt thành tuyến, đặt xa bờ từ 100 đến 200 mét và bố trí các mỏ hàn giảm sóng để giữ cát lại phía trong kè, từ đó tái tạo lại rừng phòng hộ, tạo sự yên tâm cho nhân dân./

Kim Nữ