Thông tin bất ngờ về nước mía, trái với suy nghĩ của nhiều người
Một số người trong quá trình giảm cân hoặc giữ cân phải kiềm chế cảm giác muốn uống một cốc nước mía pha chút tắc thơm ngon vì sợ mía nhiều đường.
Nhưng thực tế, uống nước mía mang lại những lợi ích đáng kinh ngạc cho sức khỏe, từ chăm sóc da đến giảm cân và lượng đường tự nhiên có trong nước mía có thể đánh bay cảm giác thèm đường.
1. Thông tin dinh dưỡng của mía
Theo dinh dưỡng học hiện đại, cứ mỗi 100g mía có chứa 84g nước, 0,2g chất đạm, 0,5g chất béo, 12g chất đường và nhiều các nguyên tố vi lượng như kali, canxi, phốt pho, magie, sắt…, các vitamin như vitamin B1, vitamin B2, vitamin C, vitamin D…
Mía là một nguồn cung cấp chất xơ và chống oxy hóa tốt như polyphenol và flavonoid. Ngoài ra, mía còn có các acid hữu cơ và nhiều loại enzym. Trong đường mía có sucrose (chiếm 70 – 88% chất rắn hòa tan trong dịch mía), glucose và fructose. Mía chứa một lượng chất béo và protein không đáng kể.
2. Một số lợi ích của nước mía
Nước mía mang lại một số lợi ích cho sức khỏe nhất định, nếu chúng ta uống nước mía uống với một lượng vừa phải. Dưới đây là những tác dụng của việc uống nước mía:
Đường tự nhiên hàm lượng thấp
Nước mía ngọt nhưng nó chứa đường chưa tinh chế. Điều thú vị là nó chỉ có hàm lượng đường 10-15%. Phần còn lại là nước, chất xơ, enzym, vitamin và khoáng chất.
Nước mía là một loại nước thay thế không chứa chất béo cho các loại đồ uống có đường hoặc đóng chai khác. Nước mía không tích lũy chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa.
Tốt cho gan, thận
Theo thành phần dinh dưỡng, nước mía không chứa cholesterol, không có chất béo bão hòa. Điều này tốt cho sức khỏe gan, thận.
Đồ uống giải độc tốt
Giải độc cơ thể rất quan trọng trong giảm cân và nâng cao sức khỏe tổng thể. Nước mía là một trong những cách tốt nhất để làm điều đó. Đặc tính lợi tiểu của nước mía nguyên chất giúp loại bỏ độc tố khỏi cơ thể và tăng cường sức khỏe của thận.
Một nghiên cứu cho thấy nước mía và các dạng chưa tinh chế của nó, chẳng hạn như mật đường, đường nâu và đường thốt nốt, là nguồn flavonoid và các hợp chất phenolic phong phú nhất có tác dụng giải độc mạnh mẽ.
Đồ uống lý tưởng sau khi tập luyện
Mía không chỉ tốt cho việc giảm cân mà còn chứa các khoáng chất quan trọng cần thiết cho quá trình hydrat hóa sau tập luyện.
Những khoáng chất này bao gồm canxi, đồng, magie, mangan, kẽm, sắt và kali. Do đó, nước mía là một sự thay thế tuyệt vời cho nước tăng lực nhân tạo và thanh protein sau khi tập luyện. Tính kiềm tự nhiên cùng lượng carbohydrate, kali và axit amin trong nước mía giúp duy trì sự cân bằng điện giải trong cơ thể, bổ sung năng lượng nhanh và tránh mất nước trong những ngày nắng nóng.
https://suckhoedoisong.vn/10-bai-thuo…
Cải thiện tiêu hóa
Nước mía từ lâu đã được biết đến với khả năng làm dịu dạ dày, giúp hệ tiêu hóa dễ chịu. Với người bị hội chứng ruột kích thích hoặc tiêu hóa kém, thêm nước mía vào chế độ ăn uống là một phương thuốc tự nhiên. Lượng kali trong nước mía giúp cân bằng độ pH trong dạ dày, thúc đẩy tiết dịch vị tiêu hóa và kích thích hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn.
Kali và chất xơ trong nước mía hỗ trợ quá trình tiêu hóa và nhu động ruột diễn ra suôn sẻ. Bằng cách cải thiện tiêu hóa, nước mía gián tiếp giúp ngăn ngừa tăng cân do không thể hấp thụ và đồng hóa chất dinh dưỡng đúng cách.
Làm chậm quá trình lão hóa da
Nước mía là nguồn cung cấp hợp chất axit alpha-hydroxy và axit glycolic, giúp giữ nước cho da, kích thích sản sinh tế bào và phục hồi trẻ hóa làn da.
3. Uống nước mía giảm cân, vì sao?
Nước mía là một lựa chọn tuyệt vời để thêm một món ngọt vào chế độ ăn kiêng giảm cân. Không giống như hầu hết các loại đồ uống có đường đã qua chế biến, nước mía không có đường bổ sung gây béo hoặc hương liệu nhân tạo với lượng calo rỗng.
Nước mía có một số lợi ích cho sức khỏe và tốt cho những người muốn giảm cân nếu tiêu thụ với số lượng phù hợp. Mía chuyển hóa cholesterol xấu và các chất xơ hòa tan có trong mía giúp giảm cân. Một nghiên cứu cho thấy rằng lượng chất xơ trong chế độ ăn uống có thể thúc đẩy quá trình giảm cân ở những người trưởng thành thừa cân sau chế độ ăn hạn chế calo.
Chất xơ khiến bạn cảm thấy no, hạn chế việc ăn quá nhiều hoặc ăn vặt, đặc biệt là giữa các bữa ăn. Do đó, nó có thể dẫn đến giảm cân vì tiêu thụ ít calo hơn.
Mặc dù được làm hoàn toàn bằng đường nhưng nó chứa đường chưa tinh luyện, tức là mía chỉ chiếm 10-15% hàm lượng đường và phần còn lại là nước, chất xơ, enzyme, vitamin và khoáng chất.
Nước mía không chứa cholesterol xấu, đồng thời làm giảm cholesterol và chất béo trung tính. Do đó, nước mía giúp ngăn ngừa nguy cơ tăng cân và kiểm soát cân nặng hiệu quả.
Theo ThS. Hà Thị Cẩm Vân, chuyên gia dinh dưỡng: Uống nước mía không làm tăng cân vì lượng calo và chất béo khá thấp. Hơn nữa, nước mía chứa chỉ số đường huyết thấp nằm trong khoảng từ 30-40 (thường chỉ ở mức 32).
Tuy nhiên cần chú ý, nước mía chứa lượng đường fructose tự nhiên khá cao, tạo ra năng lượng lớn. Nên cân nhắc lượng tiêu thụ lượng nước mía cũng như tổng lượng calo trong một ngày, đồng thời duy trì lối sống lành mạnh với chế độ ăn uống cân đối và hoạt động thể dục thể thao.
4. Một số điều cần lưu ý khi uống nước mía
Thêm quá nhiều đường không tốt cho sức khỏe, kẻ cả là nguồn tự nhiên như mía. Mặc dù nước mía có chứa một số chất dinh dưỡng, nhưng việc hạn chế uống một ly nhỏ mỗi ngày là điều cần thiết nếu bạn đang ăn kiêng. Tuy nhiên, uống nước mía hai ba lần một tuần là lý tưởng nhất.
Ngoài ra, mọi người phản ứng với các loại thực phẩm khác nhau theo những cách khác nhau. Ví dụ, một số người có thể bị tăng đột biến lượng đường trong máu sau khi uống nước mía. Ngược lại, những người khác có thể không thấy bất kỳ thay đổi nào. Do đó, hãy lắng nghe cơ thể mình.
Mặc dù có rất nhiều lợi ích nhưng một số người như những người mắc bệnh đái tháo đường nên tránh loại đồ uống này.
Nguồn suckhoedoisong.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.