Xuất khẩu gạo khẳng định thương hiệu và sự sẻ chia
– Việc sản xuất những giống lúa chất lượng cao, đặc sản và canh tác lúa theo hướng bền vững đã góp phần khẳng định giá trị, thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, cần có sự liên kết giữa các doanh nghiệp xuất khẩu với người dân để tạo ra những vùng nguyên liệu lớn, nguồn cung ổn định để tăng thị phần và nâng tầm giá trị, thương hiệu cho ngành hàng lúa gạo.
Trước tình hình gạo tăng giá, những ngày đầu tháng 8 này đã có hiện tượng thương lái thu gom hàng, hay một số nông dân có tâm lý “bẻ kèo” với doanh nghiệp, sẵn sàng đền bù để bán lúa cho “cò” với mức giá tốt hơn… Điều này cho thấy sự liên kết còn lỏng lẻo giữa doanh nghiệp và người dân. Thống kê không chính thức cho thấy, có tới 50% doanh nghiệp mua lúa qua thương lái, 37% là người dân bán qua hợp tác xã, và khoảng 12% bán trực tiếp. Việc giành giật, mua bán nóng mặt hàng lúa cho thấy nhiều doanh nghiệp chưa xây dựng được vùng nguyên liệu, từ đó khó chủ động nguồn hàng.
Thấy rõ vấn đề này, để nâng cao thương hiệu và giá trị ngành hàng lúa gạo, các thương nhân xuất khẩu gạo của Đồng Tháp cũng đã chủ động liên kết với các hợp tác xã để tạo ra những vùng nguyên liệu lớn, chính điều này đã giúp người dân an tâm sản xuất, giá bán lúa cũng cao hơn so với bán bên ngoài. Việc có nguồn nguyên liệu cũng giúp các doanh nghiệp ký kết hợp đồng thương mại với các đối tác nhập khẩu và hiện nay gạo của Đồng Tháp đã xuất khẩu sang 29 thị trường.
“Trọng tâm của chúng tôi là tập trung tuyên truyền vận động xây dựng liên kết chuỗi, đó là giải pháp căn cơ lâu dài trước mắt phải tập trung để trong những lúc khó khăn, nếu như có liên kết chuỗi thì doanh nghiệp cũng không bỏ nông dân và nông dân cũng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Đó là giải pháp căn cơ mà tỉnh Đồng Tháp sẽ tiếp tục thực hiện công việc này”, bà Võ Phương Thủy, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp nói.
Hàng năm, sản lượng lúa của Đồng Tháp hơn 3 triệu tấn, địa phương đã tập trung vào những giống chất lượng cao, đặc sản. Năm nay, địa phương dự kiến xuất khẩu cả năm gần 340.000 tấn gạo. Trong 7 tháng năm nay, đã xuất khẩu hơn 270.000 tấn với trị giá hơn 150 triệu USD, tăng cả về sản lượng và giá trị so với cùng kỳ.
Giá lúa gạo tăng là tín hiệu vui đối với hàng triệu hộ dân vùng ĐBSCL. Chính trong tâm thế được mùa, được giá, người dân lại tiếp tục chuẩn bị cho các vụ lúa tiếp theo. Tín hiệu đáng mừng chính là sự liên kết giữa doanh nghiệp với người dân để tạo ra vùng nguyên liệu lớn, đáp ứng các tiêu chuẩn với các đối tác nhập khẩu.
Ông Nguyễn Văn Nhựt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Minh Nhật trụ sở tại Cần Thơ cho biết, vùng ĐBSCL với lợi thế một năm 3 vụ lúa và hầu như lúc nào cũng có lúa trên đồng ruộng, đây là lợi thế đối với doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Vì vậy, cần phải cân đối cung cầu trong nước và xuất khẩu gạo những tháng cuối năm và việc xuất khẩu gạo hiện nay không chỉ khẳng định vị thế của ngành hàng lúa gạo Việt Nam mà còn thể hiện trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay ở mức cao, có những thời điểm giá gạo 5% tấm xuất khẩu đã cao hơn giá gạo cùng chủng loại với Thái Lan và Ấn Độ. Với việc gạo xuất khẩu tăng là điều đáng mừng với doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là câu chuyện Việt Nam đã xây dựng được thương hiệu, uy tín của hạt gạo trên thị trường thế giới.
“Xuất khẩu gạo tăng lên đó là một điều rất đáng mừng, đáng quý khi mà nước ta đã xây dựng được giá trị gạo chất lượng cao. Năm nay, người dân mình rất mừng, rất phấn khởi khi trồng được lượng lúa lớn”, bà Huỳnh Thị Bích Huyền, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát có trụ sở tại Cần Thơ cho hay.
Gạo Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn của các thị trường nhập khẩu nhờ vào cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống và áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao thương hiệu gạo Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng trưởng mạnh và các thương nhân xuất khẩu gạo đã đạt mục tiêu đề ra khi tiêu thụ lúa gạo cho người dân với giá cả tốt và bình ổn được thị trường trong nước, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia: “Hiện chất lượng gạo của Việt Nam đáp ứng được tất cả các thị trường thế giới, đây là một tín hiệu đáng mừng. Đạt được kết quả trên trong những năm vừa qua nhờ vào thắng lợi trong sản xuất lúa gạo của Việt Nam. Cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tiết kiệm được chi phí”.
Việc liên kết giữa người dân và doanh nghiệp đã cho thấy sự hài hòa lợi ích, người dân an tâm sản xuất, thương nhân xuất khẩu gạo có vùng nguyên liệu ổn định. Việc ngồi chung con thuyền chia sẻ lợi ích hài hòa đã khẳng định hơn nữa vai trò, vị thế và uy tín của ngành hàng lúa gạo, không chỉ đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực quốc gia mà còn thể hiện trách nhiệm, sự chia sẻ với các nước trên thế giới.
Nguồn VOV
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.