Thiếu vaccine tiêm chủng, trẻ đối diện nguy cơ gì?

Đã hơn 1 năm nay, tình trạng thiếu vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia  xảy ra ở tất cả các địa phương trong cả nước dù Chính phủ đã có những chỉ đạo nhằm đôn đốc, tháo gỡ. Song, đến giờ này, hàng triệu trẻ vẫn chưa được tiêm phòng do thiếu nhiều loại vaccine tiêm phòng.

 Trong số các loại vaccine chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, vaccine “5 trong 1” sử dụng tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên để phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn HiB và viêm gan B đã cạn nguồn từ lâu mà không biết khi nào mới cung cấp trở lại.

Một số bậc cha mẹ sau nhiều lần đưa con đến các trạm y tế thuộc huyện Đan Phượng, Hà Nội để tiêm phòng cũng đành bế con về.

“Bé đang đợi 5 trong 1 quá  mấy tháng rồi, nhà e không có điều kiện tiêm dịch vụ 6 trong 1”.

  “Cũng muốn tiêm cho cháu dịch vụ nhưng điều kiện không cho phép cho nên hôm nay tôi cũng lên đây để hỏi xem có vaccine chưa”.

“Vùng ven đô phần lớn vẫn là nông dân, phần lớn gia đình không có điều kiện cho con đi tiêm chủng dịch vụ”…

Một trong những lý do quan trọng giúp Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia của nước ta thành công trong vài chục năm gần đây là do chúng ta đạt tỷ lệ tiêm phòng cao (trên 85-95%) nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm. Nhờ đó, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong việc thanh toán bệnh bại liệt, loai trừ bệnh uốn ván, khống chế bệnh sởi, viêm gan B, ho gà…

Ngược lại, khi tỷ lệ tiêm chủng giảm, dẫn tới có nhiều người dễ mắc bệnh hơn và ảnh hưởng của miễn dịch cộng đồng có thể bị phá vỡ hoặc suy giảm, dẫn đến gia tăng khả lây lan của bệnh và tạo ra các đợt bùng phát dịch. PGS.TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương bày tỏ những lo ngại của ông trước những lỗ hổng miễn dịch khi tình trạng không có vaccine để tiêm phòng cho trẻ kéo dài.

“Trong vaccine 5 trong 1 có 5 thành phần, với 5 thành phần như vậy mà ở nhóm trẻ không may mắc ở giai đoạn rất nhỏ thì diễn biến rất nặng.  nhóm trẻ không may mắc diễn biến rất nặng. Viện nhi TW vụ dịch liên quan đến ho gà, nhóm trẻ 2 3,4, 5 tháng tuổi bị bệnh thì tình trạng rất nặng và có những trường hợp tử vong liên quan đến ho gà.  Thiếu vaccine như vừa rồi rất nhiều bệnh đặc biệt nguy hiểm mà phải bảo vệ trẻ thật tốt. Vì vậy việc thiếu hụt sẽ là thách thức rất lớn cho ngành y tế, nhất là các BV trong trường hợp có dịch xảy ra do quá tải”, PGS.TS Phạm Quang Thái nói.

Qua những thông tin về công tác mua sắm, đấu thầu vaccine của ngành y tế thời gian qua, TS.BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh cho rằng, chính những quy định, thủ tục hành chính rườm rà trong quy định mua sắm, đầu thầu ảnh hưởng đến tiến độ và kế hoạch mua sắm vaccine của nước ta.

“Chúng ta biết vaccine có những lúc cầu vượt cung, cty nhập ít, thành ra họ sẽ đi bán cho những chỗ đơn giản hơn là nơi thủ tục rườm rà, nên dịch vụ bên ngoài hoàn toàn tư nhân người ta không đấu thầu gì, mua bao nhiêu bán bao nhiêu là quyết định của họ”, TS.BS Trương Hữu Khanh cho hay.

Cùng quan điểm này, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Đại biểu Quốc hội  nhận định, tình trạng thiếu vaccine kéo dài cho thấy công tác lập kế hoạch mua sắm, đấu thầu vaccine của ngành y tế đang có vấn đề cần phải khẩn trương tháo gỡ.

“Nguyên nhân không phải do không có nhà sản xuất vaccine, không phải do nguồn cung, nhưng chung ta luôn vướng thủ tục, việc lập kế hoạch chậm trễ, chưa kể vấn đề năng lực cũng như khả năng bảo quản vaccine cho tốt. Chúng ta cứ vướng mãi thủ tục, mà thủ tục do chúng ta đặt ra, việc trung ương  hay địa phương đấu thầu không liên quan đến người dân. Hiện nay, yêu cầu chính đáng của ng dân làm sao có vaccine kịp thời tiêm chích cho con em. Đây là vấn đề trách nhiệm, chúng ta đổ lòng vòng thì bao giờ mới có vaccine cho các cháu”, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan cho biết.

Theo quy trình mua sắm, đấu thầu hiện nay, dự báo phải sang năm 2024, chúng ta mới có nguồn cung vaccine ổn định. Tuy nhiên, để chấm dứt tình trạng “ăn đong” vaccine theo từng năm, thay vì những kế hoạch ngắn hạn, Bộ Y tế nên có chương trình sử dụng vaccine dài hạn, cụ thể khoảng trong 3-5 năm, bởi tổng dân số, tỷ lệ sinh và tỷ lệ trẻ .trong độ tuổi tiêm chủng đều dự báo được trước.

Bên cạnh đó, việc đẩy nhanh các thủ tục mua sắm, đấu thầu vaccine cần gắn thời gian, trách nhiệm cụ thể của mỗi cá nhân, đơn vị mới có thể giải quyết được tình trạng cấp bách và mức độ nghiêm trọng do thiếu hàng chục loại vaccine tiêm chủng mở rộng kéo dài.

Nguồn vov.vn