Có nên dùng điện thoại để thanh toán tiền tại cây xăng?
Các chuyên gia khuyến cáo, việc dùng điện thoại thanh toán tiền tại cửa hàng xăng dầu cần đặc biệt chú ý, tránh khu vực nguy hiểm để phòng tránh nguy cơ cháy nổ
Điện thoại di động là thiết bị thông tin đã trở nên thông dụng đối với đời sống sinh hoạt của nhân dân bởi sự tiện ích của nó. Thế nhưng, theo các chuyên gia PCCC, việc sử dụng điện thoại di động khi đang ở khu vực các cây xăng có thể tiềm ẩn nguy cơ gây cháy, nổ cây xăng.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, một số doanh nghiệp xăng dầu triển khai dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Khuyến khích khách hàng thanh toán tiền đổ xăng, dầu bằng các hình thức thanh toán điện tử như chuyển khoản, quét mã QR Code trên điện thoại di động… Việc này khiến cho khách hàng mua xăng không khỏi băn khoăn.
Ông Đoàn Ngọc Dương (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Các cơ quan chức năng cần làm rõ hoạt động dùng điện thoại thanh toán tiền đổ xăng hiện nay ở một số cửa hàng xăng dầu. Tôi thấy rất khó hiểu, luật thì vẫn cấm, tuyên truyền vẫn nói là nguy hiểm, gây nguy cơ cháy nổ nhưng thực tế lại cho phép”.
Có nên dùng điện thoại để thanh toán tiền tại cây xăng?
Liên quan đến nội dung này, Trung tá Lê Minh Hải, Trưởng phòng Công tác phòng cháy, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH (Bộ Công an) cho biết: “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01:2020-BCT về phòng chống cháy nổ trong khu vực xây xăng đã quy định rõ. Trong cây xăng có 2 khu vực nguy hiểm chính, một là các cột bơm, đây là nơi thường xuyên diễn ra hoạt động bơm rót. Xăng thoát ra từ miệng vòi bơm khi bán xăng cho các phương tiện. Thứ 2 là khu vực bể chứa xăng dầu, nguy hiểm nhất là trong quá trình rót xăng dầu từ các xe xi téc xuống bể chứa. Hay quá trình vận hành bảo dưỡng, bảo trì tại bể chứa”.
Ngoài ra, theo Trung tá Lê Minh Hải, tại một số cây xăng còn kết hợp bán cả bình gas tại chỗ cũng là khu vực nguy hiểm, dễ cháy nổ. Chính vì vậy, Trung tá Lê Minh Hải khuyến cáo: “Các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh buôn bán xăng dầu thực hiện thanh toán bằng hình thức điện tử như chuyển khoản, quét mã QR thì cần tránh các khu vực nguy hiểm trên. Cần quy định tại một khu vực riêng, giữ khoảng cách an toàn với khu vực nguy hiểm”.
Điều 35 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định như sau: “Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt hoặc các thiết bị điện tử.
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi mang diêm, bật lửa, điện thoại di động, nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt vào những nơi có quy định cấm.
2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt mà không đảm bảo khoảng cách an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt hoặc các thiết bị điện, điện tử ở những nơi có quy định cấm.
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi hàn, cắt kim loại mà không có biện pháp đảm bảo an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, đối với trường hợp sử dụng điện thoại ở cây xăng; thì sẽ bị phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Mức phạt tiền này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Trách nhiệm bồi thường khi sử dụng điện thoại trong cây xăng gây cháy nổ
Bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm
Trong trường hợp nếu như bị có biển cấm nhưng vẫn sử dụng điện thoại trong cây xăng và gây cháy nổ thì sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu có thiệt hại xảy ra. Căn cứ theo quy định tại Điều 589 Bộ Luật dân sự 2015 quy định bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm như sau:
“Điều 589. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm
Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:
1. Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.
2. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.
3. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
4. Thiệt hại khác do luật quy định.”
Như vậy, nếu sử dụng điện thoại trong cây xăng khi có biển cấm sử dụng điện thoại; mà gây cháy nổ thiệt hại đến tài sản của người khác sẽ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định.
Bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm
Ngoài ra theo quy định tại Điều 590 Bộ Luật dân sự 2015; quy định về thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm như sau:
“Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm
1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe; và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”
Như vậy, đối với trường hợp sử dụng điện thoại di động trong cây xăng mà gây cháy nổ thiệt hại đến sức khỏe của người khác có thể sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi sức khỏe bị xâm phạm. Mức phạt căn cứ theo quy định pháp luật như trên.
Bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm
Căn cứ theo quy định tại Điều 591 Bộ Luật dân sự 2015; quy định thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm như sau:
“Điều 591. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm
1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:
a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;
b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này.
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”. Như vậy, theo quy định trên thì nếu như sử dụng điện thoại trong cây xăng mà gây thiệt hại trong tính mạng xâm phạm sẽ bị phạt theo quy định như trên.
Nguồn vov.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.