Tiền Giang kiến nghị khẩn cấp xử lý sạt lở kênh 28 thuộc xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè
(THTG) Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhất là sự lưu thông quá mức của các phương tiện thủy phục vụ ngành công nghiệp xay xát lúa gạo, hiện bờ kênh 28 thuộc xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè liên tục bị sạt lở và mức độ sạt lở trầm trọng, làm ảnh hưởng đến đường giao thông, nhà cửa và sản xuất của người dân. Chính quyền và nhân dân lo ngại nếu nhà nước chậm khắc phục ngày nào thì thiệt hại càng trầm trọng và kinh phí khắc phục sẽ càng lớn.
Những đoạn sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Ảnh: Bùi Phong
Bờ kênh 28 vừa là đê bao vừa là đường giao thông liên ấp nên đã được nhà nước đầu tư khá kiên cố. Mặt đường rộng hơn 3 mét và lót dal chắc chắn. Thế nhưng, khoảng 3 năm trở lại đây, tuyến giao thông chính này không còn thông suốt vì bị sạt lở tấn công. Có đoạn sạt lở ăn toàn bộ mặt đường, có đoạn sạt lở ăn một phần chân đường tạo thành hàm ếch rất nguy hiểm. Hiện nay ngay cả đi bộ cũng khó khăn nên việc vận chuyển hàng hóa hoàn toàn tê liệt. Thậm chí, ở một số vị trí sạt lở nặng có lúc bị triều cường tràn qua đê xâm nhập vào vườn cây gây thiệt hại không nhỏ cho sản xuất của người dân.
Những ngôi nhà bỏ hoang do sạt lở… Ảnh: Bùi Phong
Theo khảo sát của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, hiện Kênh 28 có 10 đoạn sạt lở trầm trọng, với tổng chiều dài 2.100 mét, đáng lo ngại nhất là có 22 ngôi nhà bị ảnh hưởng và đã có một số hộ dân đã bỏ nhà hoang, chuyển đến nơi khác sinh sống vì tâm lí bất an và hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không thể an cư trong bối cảnh sạt lở. Riêng chính quyền địa phương thời gian qua gặp khó khăn trong lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế- xã hội khu vực này, nhất là các công trình xây dựng hạ tầng nông thôn mới không thể triển khai vì diễn biến sạt lở phức tạp.
Kênh 28 là tuyến giao thông thủy huyết mạch của huyện Cái Bè đồng thời cũng là đê xung yếu bảo vệ sản xuất của người dân xã Đông Hòa Hiệp và xã Hậu Thành. Do mức độ sạt lở trầm trọng, vượt quá khả năng xử lí của tỉnh, nên tỉnh đang đề nghị trung ương đầu tư nguồn kinh phí lớn để khẩn cấp triển khai “dự án xử lý sạt lở 10 đoạn nặng”, với kết cấu kè dạng mặt bến, thân kè bằng hệ dầm sàn bê tông cốt thép trên nền cọc bê tông cốt thép và thảm đá chân kè, các tường cừ được liên kết với nhau bằng mũ bê tông cốt thép và thảm đá chân kè mới có thể ứng phó hiệu quả và lâu dài với tính chất sạt lở nghiêm trọng của khu vực này./
Kim Nữ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.