Miền Trung chìm trong lũ, hàng nghìn hộ dân phải sơ tán
Hàng nghìn nhà dân, công sở, trường học ở vùng ven sông các tỉnh miền Trung ngập chìm trong biển nước.
* Tối 15/11, lũ trên các sông tại tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục dâng cao, có nơi lên báo động 3, tiếp tục gây ngập lụt trên diện rộng. Hàng nghìn nhà dân, công sở, trường học các vùng ven sông Vệ và sông Trà Khúc ngập chìm trong biển nước. Tỉnh Quảng Ngãi đã huy động các lực lượng sơ tán hơn 1.000 hộ dân vùng thấp trũng, vùng sạt lở ven sông đi tránh lũ. Đến sáng nay (16/11), công tác sơ tán dân tránh lũ sẽ được tiến hành khẩn trương.
Nước lũ tràn qua bờ kè, xâm lấn TP.Quảng Ngãi vào lúc 22 giờ tối 15/11 (ảnh: Báo Quảng Ngãi) |
Ông Trần Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Động, huyện Ba Tơ cho biết, trong đêm chính quyền di dời hơn 300 hộ dân lên nơi cao ráo tránh lũ. Tuy nhiên, do mưa quá lớn, lại mất điện nên việc di dời hết sức khó khăn.
Nước lũ về nhanh trong đêm khiến quốc lộ 1A, đoạn từ Đức Phổ đến huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi bị ngập sâu từ 0,5-1m, gây ách tắc giao thông. Hàng nghìn phương tiện bị kẹt trên tuyến quốc lộ 1A suốt cả đêm qua. Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Quảng Ngãi huy động lực lượng chốt chặn 2 đầu khu vực bị ngập sâu trên tuyến Quốc lộ 1A, không cho phương tiện qua lại để đảm bảo an toàn.
* Tại tỉnh Quảng Nam, nước lũ làm ngập sâu ngầm Sông Trường trên tuyến tỉnh lộ 615 từ thành phố Tam Kỳ đi các huyện Bắc Trà My và Nam Trà My, làm một số xã vùng cao huyện Bắc Trà Mỳ và Nam Trà My bị chia cắt, cô lập. Đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 14 E, đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Nam bị sạt lở nặng, gây khó khăn cho giao thông.
Ngành giao thông tỉnh Quảng Nam đã bố trí phương tiện, huy động công nhân giải phóng lượng đất đá sạt lở. Trong khi đó, các hồ thủy điện tiếp tục xả lũ, 53 hồ thủy lợi cũng đã đầy nước và đang xả tràn tự do, gây ngập lụt trên diện rộng.
Ông Đỗ Văn Tùng, Giám đốc Chi nhánh Thủy lợi Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, cho hay: “Nếu lượng mưa như thế này, kéo dài liên tục, mực nước hồ lên rất nhanh. Hiện nay đã 30.6 vượt qua qui trình vận hành mà ủy ban tỉnh đã phê duyệt. Chúng tôi phải tiếp tục mở và xả lưu lượng gần 400 m3/s mới đảm bảo mực nước hồ nếu không vượt qui trình cho phép”.
* Tại tỉnh Bình Định, nước lũ dâng cao gây ngập nặng huyện hạ lưu sông Kôn và sông Hà Thanh như: Tuy Phước, Phù Cát, An Nhơn, thành phố Quy Nhơn. Quốc lộ 19 đoạn qua huyện Tây Sơn bị ngập lụt nhiều đoạn, giao thông chia cắt. Tại huyện Tây Sơn, ông Trần Văn Sang ở thị trấn Phú Phong bị lũ cuốn trôi mất tích.
Hàng ngàn hộ dân các huyện trong tỉnh Bình Định bị ngập nước (Ảnh: Dân Trí) |
* Tại tỉnh Phú Yên, mưa to trên diện rộng, thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ với lưu lượng 1.000m3/s khiến lũ trên các sông lên nhanh, gây ngập ở nhiều nơi. Cầu La Hai trên đường lên huyện miền núi Đồng Xuân bị ngập, người qua lại phải đi trên đường sắt. Nước chảy xiết cũng đã làm vỡ bờ bao Suối Tre, xã Xuân Thọ 2, thị xã Sông Cầu, nhiều ngôi nhà bị nước lũ cuốn trôi. Nước sông Kỳ Lộ đang lên nhanh gây ngập nặng vùng thấp huyện Tuy An và Đồng Xuân.
Ông Trần Nam Giang, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Sơn Bắc, huyện Đồng Xuân cho biết, địa phương đang khẩn trương sơ tán dân đi tránh lũ: Hiện nay, UBND xã xuống từng hộ dân, di dời người nhà trẻ em, phụ nữ mang thai, chằng chống nhà cửa và di dời các tài sản của nhân dân đến vùng đảm bảo an toàn.
* Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, các thủy điện Hương Điền, Bình Điền và A Lưới điều tiết chống lũ, với lưu lượng xả từ 1800 đến trên 2000 m3/s, khiến mực nước ở sông dâng cao, gây ngập nặng ở vùng hạ du. Tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các địa phương thường xuyên thông báo việc điều lũ của các hồ thủy điện để người dân chủ động phòng tránh.
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo với các hồ thủy điện theo tình hình dự báo thời tiết, chủ động theo quy trình vận hành đã được phê duyệt, khống chế mực nước hạ lưu, không gây đột biến, ngập lụt”./.
Nguồn Nhóm PV- CTV/VOV – Miền Trung
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.