Xử lý cán bộ, công chức, đảng viên, công an vi phạm nồng độ cồn như thế nào?
Theo Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức (Bộ Nội vụ), cán bộ, công chức, đảng viên, công an vi phạm nồng độ cồn, tùy vào mức độ khác nhau sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, như kỷ luật, buộc thôi việc hay truy cứu trách nhiệm hình sự…
Cụ thể, tối 14/9, tổ công tác đặc biệt của Bộ Công an phối hợp với Công an TP Phan Thiết (Bình Thuận) kiểm tra xe ô tô do ông C.S.D điều khiển. Khi kiểm tra, CSGT xác định tài xế này vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,124 mg/lít khí thở. Kết quả xác minh ông D là Bí thư Huyện ủy tại tỉnh Bình Thuận.
Khuya 18/9, ông Lê Hải Q lái ô tô Mazda CX5 sau khi đã sử dụng rượu, bia, lưu thông trên đường Giải Phóng, Hà Nội. Khi tổ công tác CSGT Công an Hà Nội đề nghị kiểm tra nồng độ cồn, tài xế này không chấp hành, không xuất trình giấy tờ liên quan. Ngày 22/9, Phòng CSGT Hà Nội làm rõ tài xế Q là Chủ tịch UBND phường Trần Phú, quận Hoàng Mai.
“Tất cả trường hợp cán bộ, đảng viên mà vi phạm nồng độ cồn sẽ bị gửi thông báo vi phạm về cơ quan, đơn vị nơi họ công tác. Từ đây, các cơ quan quản lý có cơ sở để đưa ra hình thức kỷ luật”, Đại diện Cục CSGT là đơn vị được Bộ Công an giao nhiệm vụ chủ trì chia sẻ.
Liên quan đến nội dung này, ông Nguyễn Tuấn Ninh (Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức thuộc Bộ Nội vụ) khẳng định: “Cán bộ, công chức và viên chức nếu vi phạm các quy định về pháp luật nói chung, vi phạm Luật Giao thông đường bộ nói riêng, sẽ bị áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật theo hai văn bản đang có giá trị hiệu lực. Cụ thể là Nghị định 112/2020 ngày 18/9/2020 và Nghị định 71/2023 ngày 20/9/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 112/2020”.
Theo Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức thuộc Bộ Nội vụ, cán bộ, công chức, viên chức vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tức là đã vi phạm các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức; Những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm. Các cán bộ, viên chức này cũng vi phạm nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; Vi phạm đạo đức, lối sống… thì sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật hành chính.
“Nếu cán bộ, công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý mà có vi phạm sẽ bị xem xét kỷ luật bằng các hình thức: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, buộc thôi việc. Còn người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xem xét khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức hoặc buộc thôi việc”, ông Nguyễn Tuấn Ninh nhấn mạnh.
Xử lý đặc biệt theo quy định của ngành
Luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn sẽ tùy thuộc vào mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, và xử lý kỷ luật. Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người công tác trong lực lượng vũ trang (công an, quân đội) nếu vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng, từng ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương.
“Đối với các trường hợp xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm các quy tắc tham gia giao thông đường bộ khi vượt quá nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn được áp dụng theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ được quy định cụ thể như sau: Phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 40 triệu đồng, phạt bổ sung tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 24 tháng: đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Người vi phạm có hành vi “không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ” sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng (Điều 5 Nghị định 100/2019); Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 8 triệu đồng, phạt bổ sung tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 24 tháng: đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ. Người vi phạm có hành vi “không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ” sẽ bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng (Điều 6 Nghị định 100/2019); Phạt tiền tối thiểu từ 3 triệu đồng đến 18 triệu đồng, mức phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 24 tháng. Người vi phạm có hành vi “không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ” sẽ bị phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng vi phạm (Điều 7 Nghị định 100/2019); Đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ vi phạm thì sẽ bị phạt tiền từ 80.000 đồng đến 600.000 đồng. Người vi phạm có hành vi “không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ” sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng (Điều 8 Nghị định 100/2019). Vì vậy, tùy thuộc vào phương tiện mà cán bộ, công chức, viên chức, người công tác trong lực lượng vũ trang điều khiển và mức độ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ về nồng độ cồn mà xác định các mức phạt tiền và mức phạt bổ sung phù hợp”, Luật sư chỉ rõ.
“Bên cạnh việc xử lý vi phạm về mặt hành chính, tùy thuộc vào tính chất, mức độ, nguyên nhân, hậu quả của hành vi vi phạm, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì cơ quan điều tra sẽ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ khi tham gia giao thông mà trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác thì mức hình phạt tù từ 03 năm đến 10 năm, theo quy định tại khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017”, Luật sư Tiền trích dẫn thêm.
Luật sư cho rằng, ngoài xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự, nếu có hành vi vi quy định về pháp luật giao thông thì cán bộ, công chức, viên chức, người công tác trong lực lượng vũ trang sẽ bị xử lý kỷ luật theo tinh thần nội dung của Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới: “Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của từng ngành, cơ quan, đơn vị”. Như vậy, đối với cán bộ, công chức, người công tác trong lực lượng vũ trang vi phạm quy tắc giao thông đường bộ về nồng độ cồn thì bị xử lý kỷ luật theo Luật cán bộ, công chức; Luật viên chức; Luật công an dân nhân; Luật sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam; Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; Luật Nghĩa vụ quân sự và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; xử lý về Đảng theo điều lệ, quy định của Đảng (nếu là đảng viên).
Luật sư thẳng thắn chỉ rõ: “Hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh chung, thống nhất và đồng bộ giữa các hình thức xử lý kỷ luật khi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ được áp dụng xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, người công tác trong lực lượng vũ trang. Mỗi cơ quan, ngành, đơn vị, địa phương lại quy định một hình thức xử lý kỷ luật với những mức độ khác nhau. Từ đó dẫn đến việc áp dụng pháp luật vào xử lý các hành vi vi phạm về quy tắc giao thông đường bộ tại mỗi cơ quan, ngành, đơn vị còn thiếu nhất quán, khó áp dụng, đôi khi mang tính hình thức, ước lệ. Đây cũng chính là một vấn đề đáng quan tâm mà các cơ quan lập pháp, các bộ, ban ngành cần nghiên cứu, xem xét, hoạch định và kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý kỷ luật nói chung, xử lý kỷ luật khi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ nói riêng được áp dụng thống nhất cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động công tác trong lực lượng vũ trang, cũng cần có quy định xem xét về trách nhiệm của người đứng đầu ngành, cơ quan, đơn vị nếu để xảy ra trường hợp người lao động trong tổ chức mình có hành vi vi phạm”.
Nguồn vov.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.