Đại biểu tỉnh Tiền Giang kiến nghị nhiều vấn đề về phát triển nông nghiệp tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV
(THTG) Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội dành 1,5 ngày, từ chiều 31/10 đến hết ngày 1/11/2023 để thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021-2025; tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội…
Tiếp tục phiên thảo luận về kinh tế xã hội, sáng ngày 01-11, đóng góp ý kiến tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu Tạ Minh Tâm – Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho rằng, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng hơn 2 năm thực hiện, kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã mang lại kết quả tích cực, góp phần tạo sự ổn định, phát triển kinh tế xã hội của cả nước.
Toàn cảnh phiên thảo luận về kinh tế xã hội, sáng ngày 01-11.
Theo ý kiến đại biểu, sản xuất nông nghiệp đã có bước chuyển theo hướng chất lượng và giá trị gia tăng; ngành nông nghiệp tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm, giảm nghèo. Việc tổ chức lại sản xuất, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm đã được chú trọng thực hiện. Khoa học công nghệ từng bước được ứng dụng rộng rãi, gắn với phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Tuy nhiên, đại biểu cho biết, tiến độ thực hiện một số chương trình, nhiệm vụ, đề án trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp còn chậm, kết quả đổi mới cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp còn chậm, hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa đồng đều, các nút thắt cơ bản của ngành nông nghiệp còn chưa được giải quyết, vấn đề rủi ro thương mại chưa được giải quyết triệt để, việc thực hiện các chỉ tiêu đề ra trong phát triển nông nghiệp còn khó khăn, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Đại biểu Tạ Minh Tâm – Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang phát biểu tại phiên thảo luận.
Liên kết theo chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao giúp giảm chi phí, nâng cao giá trị gia tăng chưa phổ biến. Kết nối liên vùng rời rạc, kết nối thị trường chưa thông suốt, chi phí logistics cao. Hoạt động xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa thị trường của ngành nông nghiệp chưa thực sự đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, vấn đề rủi ro thương mại chưa được giải quyết triệt để, như: Thẻ vàng châu Âu về đánh bắt thuỷ sản trái phép, không báo cáo, không được quản lý (IUU); Hoa Kỳ điều tra Việt Nam nhập khẩu và sử dụng gỗ bất hợp pháp… Theo đại biểu, còn nhiều vấn đề chính sách đặt ra liên quan quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế hướng tới phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện tăng trưởng xanh, trong thực hiện hiệu quả cam kết liên quan đến thương mại và phát triển bền vững trong các hiệp định FTAs thế hệ mới..
Hướng tới mục tiêu tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực hiện đạt kết quả các yêu cầu đặt ra tại Nghị quyết số 31 của Quốc hội. Trên cơ sở các vấn đề còn nhiều quan tâm đã nêu trên, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ rà soát đánh giá hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh nông nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp nhằm khắc phục những tồn tại, vướng mắc hiện có, có chính sách đột phá, chiến lược trong phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại, gắn với đô thị hóa theo yêu cầu Nghị quyết 26 của Chính phủ
Ngoài ra, đại biểu đề nghị cần đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại nền kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp, lồng ghép hiệu quả nội dung cơ cấu nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới; Có cơ chế hiệu quả thúc đẩy và tăng cường liên kết giữa tổ chức kinh tế tập thể và các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước; Có chính sách về vốn hỗ trợ, khuyến khích HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; tạo thuận lợi cho các Hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong việc tiếp cận, hưởng lợi, nhất là chính sách đất đai và tín dụng./.
Tin và ảnh: Minh Trí
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.