Tình cảnh trái ngược của hai nền kinh tế Trung Quốc, Mỹ
Hoạt động sản xuất của Trung Quốc thu hẹp trong tháng 11-2023, báo hiệu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn cần sự hỗ trợ chính sách mạnh mẽ hơn.
Theo dữ liệu từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc hôm 30-11, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) giảm xuống 49,4 điểm trong tháng 11, từ mức 49,5 điểm trong tháng 10. Đây là tháng thứ hai liên tiếp chỉ số này dưới 50. PMI trên 50 cho thấy sự mở rộng của hoạt động sản xuất và dưới 50 cho thấy sự thu hẹp.
Ông Zhao Qinghe, chuyên gia tại Cục Thống kê quốc gia, dẫn các kết quả khảo sát cho thấy hơn 60% công ty sản xuất cho biết nhu cầu thị trường giảm và điều này vẫn là khó khăn chính ảnh hưởng đến sự phục hồi và phát triển của ngành sản xuất lúc này.
Trong khi đó, bà Louise Loo, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Công ty Tư vấn Oxford Economics (Anh), nhận định dữ liệu PMI mới nhất có thể sẽ khiến các quan chức Trung Quốc “hơi lo lắng” và cân nhắc triển khai thêm biện pháp kích thích kinh tế.
Bắc Kinh trước đó đã thực hiện một loạt biện pháp thúc đẩy kinh tế và vực dậy thị trường bất động sản, như cắt giảm lãi suất hoặc nới lỏng các hạn chế mua nhà tại một số thành phố. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng việc PMI tiếp tục giảm cho thấy các biện pháp đến nay vẫn chưa đủ để thúc đẩy sự phục hồi lâu bền.
Trước đó một ngày, Bộ Thương mại Mỹ cho biết GDP của nước này trong quý III/2023 tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đài CNBC, kết quả này có được nhờ đầu tư kinh doanh nhiều hơn mong đợi và chi tiêu chính phủ mạnh hơn. Lợi nhuận doanh nghiệp tăng 4,3% trong quý III, so với mức 0,8% của quý II.
Tuy nhiên, chi tiêu tiêu dùng chỉ tăng 3,6%, thấp hơn mức 4% trong ước tính ban đầu. Đáng chú ý, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái. PCE là thước đo lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) theo dõi sát sao.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.