An Nông chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân trồng cây ăn trái
(THTG) Nhằm giúp nông dân chăm sóc tốt vườn cây ăn trái, nhất là chuẩn bị ứng phó có hiệu quả với mùa hạn, mặn năm 2024 sắp tới, ngày 18/12, Tập đoàn An Nông phối hợp với Hội nông dân huyện Cái Bè và các nhà khoa học tổ chức chuyển giao khoa kỹ thuật cho nhà vườn xã Mỹ Hội và xã An Cư.
Thời gian gần đây, thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ứng phó với biến đổi khí hậu, nông dân xã Mỹ Hội, xã An Cư và các xã phía Bắc Quốc lộ 1 mạnh dạn chuyển ruộng lúa năng suất thấp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, mít, cam, ổi,…Vì là vùng đất trước đây chuyên canh cây lúa, hệ thống thủy lợi chưa tương thích nên trong quá trình chăm sóc cây ăn trái, nông dân còn gặp một số khó khăn nhất định. Do vậy, buổi tập huấn này đã trang bị cho nông dân kiến thức cần thiết về: kiến thiết vườn cây đúng kỹ thuật, chọn giống cây chất lượng cao, bón phân hợp lí, nhất là phòng trừ dịch hại có hiệu quả để nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây.
Việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng nông dân sản xuất an toàn, bền vững. Ảnh: Lê Thi
Điểm nhấn trong sản xuất cây ăn trái ở xã Mỹ Hội và xã An Cư là trồng sầu riêng, chiếm khoảng 60% tổng diện tích vườn. Trong khi đó, sầu riêng là loại cây rất kén đất vì có rễ ăn sâu, không phù hợp với vùng đất phèn. Vì vậy khi trồng sầu riêng ở vùng đất phía Bắc Quốc lộ 1, nông dân cần áp dụng giải pháp bón phân cân đối và có thể bón thêm vôi, nhằm giảm tác động xấu của phèn đến sự sinh trưởng và phát triển cây sầu riêng. Nhất là ở giai đoạn trước mùa hạn mặn như hiện nay, nông dân cần cung cấp đủ dinh dưỡng để tăng sức chống chịu cho sầu riêng vượt qua điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Để cây sầu riêng phát triển tốt trên vùng đất ngập lũ phía Bắc lộ, tiến sĩ Hồ Văn Chiến, nguyên Giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam khuyến cáo nông dân cần đầu tư hệ thống bờ bao chắc chắn, không để cây bị ngập úng sẽ phát sinh nấm bệnh cho rễ, nhất là bón thêm vôi để tăng độ pH góp phần hạ phèn trong đất.
Biểu diễn văn nghệ tại hội thảo. Ảnh: Lê Thi
Đặc biệt, hiện giá bán sầu riêng đứng ở mức cao, là động lực để nông dân tăng năng suất, sản lượng vườn cây. Tuy nhiên, nhà vườn không nên chạy theo năng suất mà cần sản xuất an toàn, không tồn dư hóa chất trong sản phẩm, đạt tiêu chuẩn theo quy định mã số vùng trồng để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Hiện Tập đoàn An Nông có đủ các loại phân hữu cơ, thuốc thảo mộc, thuốc sinh học phục vụ nông dân sản xuất đạt chuẩn GAP đúng khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Bà Bích Thủy, Tổng Giám đốc Tập đoàn An Nông chia sẻ qua buổi hội thảo này, chị muốn nông dân quan tâm hơn đến sản xuất trái cây sạch để không những bảo đảm yêu cầu về kiểm dịch của nước nhập khẩu mà còn bảo vệ sức khỏe cho chính người nông dân và môi trường.
Theo đánh giá của Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn thì hiệu quả kinh tế của cây ăn trái cao hơn lúa từ 3 đến 4 lần, song kỹ thuật canh tác cây ăn trái phức tạp hơn. Vì vậy cùng với sự lãnh đạo sản xuất của các ngành, các cấp thì sự tham gia chuyển giao khoa học kỹ thuật của các doanh nghiệp ngành bảo vệ thực vật rất cần thiết, góp phần cùng nhà nước nâng cao trình độ sản xuất cho người nông dân theo hướng giảm chi phí, tăng lợi nhuận và sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch./
Kim Nữ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.