Bờ sông Tiền qua địa bàn huyện Cái Bè bị sạt lở nặng nề

(THTG) Chiều ngày 19-12, đoàn công tác gồm: Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, Ban quản lí dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, Viện thủy lợi miền Nam và chính quyền địa phương tiến hành khảo sát tình hình sạt lở đoạn đê ven sông Tiền trên địa bàn 3 xã: Hòa Hưng, An Hữu và Tân Thanh của huyện Cái Bè.

Đoàn công tác kiểm tra sạt lở của sông Tiền đoạn qua huyện Cái Bè. Ảnh: võ Duy

Đ oạn Sông Tiền chảy qua địa bàn huyện Cái Bè có nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong việc thoát lũ, giao thông thủy của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng. Thời gian qua, đoạn đê thuộc địa phận 3 xã Hòa Hưng, An Hữu và Tân Thanh thường xuyên bị sạt lở và đến thời điểm này tổng chiều dài sạt lở khoảng 4.000 mét, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản và nhà cửa của người dân địa phương.

Gay gắt nhất là tại vị trí ấp Khu phố, xã Hòa Hưng vừa xảy ra điểm sạt lở trầm trọng có chiều dài 300 mét, ăn sâu vô đất liền hàng chục mét, đã làm thiệt hại hoàn toàn 6 căn nhà và hiện còn 4 căn nhà có nguy cơ tiếp tục bị sạt lở khiến cho người dân khu vực này sống trong lo sợ. Bà con kiến nghị các ngành, các cấp quan tâm xử lí, khắc phục, xây dựng kè để ngăn chặn sạt lở tiếp tục tấn công vào phía bên trong bởi vì khu vực này nhà cửa người dân san sát, nếu xảy ra sạt lở thì thiệt hại rất nặng nề.

Có những đoạn sạt lở nặng, ăn sâu vào đất liền, khiến người dân sống trong lo sợ. Ảnh: Võ Duy

Trước mắt, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và địa phương di dời khẩn cấp các hộ dân sống xung quanh hoặc sống gần điểm sạt lở đến nơi an toàn. Riêng chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân vùng sạt lở cách bảo vệ tính mạng và tài sản của mình, đồng thời kiến nghị cấp trên khẩn trương xây dựng kè kiên cố thì mới có thể ứng phó có hiệu quả với diễn biến sạt lở trầm trọng ở khu vực này.

Do dòng chảy xói vào bờ sông gây hàm ếch kết hợp với triều cường lên xuống và địa hình là đất yếu nên tình trạng sạt lở ở khu vực này diễn ra nhanh chóng. Nếu không có biện pháp xử lý thì sạt lở sẽ tiếp tục lấn sâu vào bên trong, gây ảnh hưởng cho khoảng 575 hộ dân và ảnh hưởng 120 ha đất sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao. Sau cuộc khảo sát này, ngành chuyên môn tỉnh chuẩn bị dự án, trình trung ương xem xét và đề nghị trung ương cấp kinh phí khẩn cấp khoảng 220 tỷ đồng để triển khai thực hiện dự án xử lý sạt lở đê ven sông Tiền giai đoạn 3, chiều dài 1.300 mét, sử dụng kè dạng tường, cừ đứng bê tông cốt thép dự ứng lực, kết hợp sàn giảm tải, thảm đá chân kè và thời gian thực hiện dự án trong năm 2024./

Kim Nữ