Tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia

(THTG)Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5, ngày 16/1, Quốc hội sau khi nghe các tờ trình, báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; QH đã tổ chức họp tổ và thảo luận tại hội trường về nội dung này.

Theo tờ trình, xuất phát từ thực tiễn triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia và cụ thể hóa nhiệm vụ Quốc hội giao, Chính phủ đề xuất các giải pháp chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.

Cụ thể, Chính phủ trình Quốc hội quyết định thí điểm 8 cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó có cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Quang cảnh Kỳ họp bất thường lần thứ 5, ngày 16/1. 

Tại phiên họp tổ, đa số ý kiến thống nhất với việc ban hành Nghị quyết cũng như tên gọi của Nghị quyết này, tuy nhiên đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát, làm rõ các nội dung cơ chế, chính sách đặc thù khác với các quy định của pháp luật.

Liên quan đến điều khoản sử dụng ngân sách nhà nước giao chủ dự án phát triển sản xuất thực hiện việc cung ứng giống cây trồng, vật nuôi theo giá thị trường tại địa bàn thực hiện dự án. Phát biểu tại phiên họp, Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm UB Xã Hội của QH – ĐBQH tỉnh Tiền Giang nêu những băn khoăn và cho rằng:

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm UB Xã Hội của QH – ĐBQH tỉnh Tiền Giang phát biểu.

“Bây giờ có tâm lý chung là rất sợ khi xác định giá thị trường. Tất cả các địa phương, tâm lý chung rất sợ. Bởi, sau đó là câu chuyện quay lại xử lý trách nhiệm, tại sao lại giá này? tại sao giá kia? thì đúng là chịu.  Đại biểu nêu: Chỗ này theo tôi cũng rất khó bởi cung ứng giống cây trồng vật nuôi theo giá thị trường thì có những giống chưa có trên thị trường, người ta nghiên cứu ra một giống mới, người ta cung hướng ra thì xác định giá thế nào? bảo xác định giá đấy thì rất là khó.”

Đối với việc thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Theo dự thảo Nghị quyết  các tiêu chí để lựa chọn huyện thực hiện thí điểm là ưu tiên những huyện đã hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025. Theo ý kiến đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai, Phó Chủ nhiệm UB kinh tế của QH, đây là những huyện đã có thế mạnh, có năng lực mới có thể hoàn thành. Như vậy, phải tính đến việc thí điểm những huyện này chắc chắn sẽ thành công.

Đại biểu lưu ý “phải cân nhắc và tính toán mục đích của chúng ta là muốn thí điểm cho đối tượng nào thì chúng ta cần phải làm rõ. Tức là chúng ta muốn kích cầu để đưa những huyện có những cơ sở chưa có khả năng đạt được thì chúng ta đầu tư chẳng hạn. Còn nếu chúng ta lựa chọn những huyện mà chắc chắn khả năng thành công thì chúng ta cũng phải có những tiêu chí lựa rõ ràng hơn để có cơ chế để thí điểm.”

Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang tham dự Kỳ họp.

Thảo luận tại hội trường trong phiên họp buổi chiều. Nhiều vấn đề được đại biểu tiếp tục góp ý, phân tích, đồng thời tiếp tục làm rõ thêm về tên gọi, về các nội dung, cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện các chương trình như về phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương cần làm rõ hơn, trường hợp nào là thật cần thiết; về điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước kế hoạch đầu tư vốn hàng năm; về ban hành quy trình thủ tục, tiêu chí mẫu, hồ sơ; về sử dụng ngân sách trong trường hợp giao chủ dự án; về quản lý sử dụng tài sản hình thành từ Dự án hỗ trợ sản xuất; về ủy thác vốn tự cân đối ngân sách địa phương với qua ngân hàng chính sách xã hội;…

Các đại biểu cơ bản thống nhất với các nội dung, chính sách của dự thảo Nghị quyết theo đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên các đại biểu đề nghị cần tiếp tục làm rõ việc thực hiện các kiến nghị của kiểm toán Nhà nước và theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cần tuân thủ nguyên tắc: đảm bảo tính đặc thù, không tạo ra các rào cản mới; có ý nghĩa cả về tính lâu dài, làm cơ sở đánh giá tổng kết chương trình trong giai đoạn sau…

Tin và ảnh: Minh Trí