Bộ Y tế đề nghị xử lý vi phạm nồng độ cồn dịp Tết
Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn theo quy định.
Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố đẩy mạnh hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông, đồng thời tổ chức các chương trình, chiến dịch truyền thông hiệu quả, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và các ngày lễ.
Bộ này cũng yêu cầu các địa phương chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông, đồng thời tổ chức các chương trình, chiến dịch truyền thông hiệu quả, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và các ngày lễ, ngày hội trong năm 2024 nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng để phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn
Tập trung tuyên truyền về phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe con người, gia đình và cộng đồng, để bảo đảm an toàn giao thông, trật tự và an toàn xã hội.
Tuyên truyền quy định về những hành vi bị nghiêm cấm; tác hại của rượu, bia đối với người chưa đủ 18 tuổi; không uống rượu, bia trước và trong khi lái xe; thời gian, địa điểm không được uống, không được bán rượu, bia và thực hiện các quy định khác trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị và địa phương tăng cường công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia thuộc lĩnh vực phụ trách. Triển khai hiệu quả các biện pháp sàng lọc, phát hiện sớm, can thiệp giảm tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe.
Phòng, chống tác hại của rượu, bia cho người lao động, cho học sinh, sinh viên, đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; phòng, chống tác hại của rượu, bia trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, khuyến mại rượu, bia và các lĩnh vực liên quan khác.
Theo tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), các ca ngộ độc rượu vào cấp cứu vẫn nhiều, có xu hướng gia tăng vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán do nhu cầu ăn uống, liên hoan có sử dụng rượu, bia gia tăng.
Tại Trung tâm Chống độc cũng thường xuyên tiếp nhận các ca uống phải rượu “rởm” pha cồn công nghiệp methanol, bị biến chứng dẫn tới mù mắt. Đa số các trường hợp ngộ độc methanol do uống phải rượu trắng “3 không” (không nhãn mác, không nguồn gốc, không rõ thành phần). Những loại rượu này bán trôi nổi ngoài thị trường, thậm chí có cả ở quán nhậu.
“Tình trạng ngộ độc methanol do uống phải rượu “rởm” khiến người uống không biết. Ngộ độc rượu có chứa cồn methanol lại diễn ra chậm và âm thầm nên đa số bệnh nhân đến viện muộn, khi đã bị tổn thương não, mắt, tỉ lệ tử vong lên tới 30-50%”- bác sĩ Nguyên nói.
Các bác sĩ cho biết uống rượu quá mức được định nghĩa là mức tiêu thụ quá 5 ly trở lên trong một lần với nam giới và uống 4 ly trở lên trong một lần với nữ (một lần khoảng 2-3 giờ). Uống nhiều rượu được định nghĩa là tiêu thụ khoảng 8 ly trở lên mỗi tuần với nữ giới và từ 15 ly trở lên mỗi tuần với nam giới.
Uống rượu vừa phải được định nghĩa là uống 2 ly trở xuống trong một ngày đối với nam hoặc 1 ly trở xuống trong một ngày đối với phụ nữ.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.