Tiền Giang tăng cường các giải pháp phòng chống xâm nhập mặn cho cây sầu riêng

(THTG) Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang thì sau Tết, độ mặn trên sông Tiền tăng cao hơn cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, sầu riêng là loại cây chịu mặn kém nên hiện nhà vườn ở các huyện phía Tây nêu cao tinh thần cảnh giác và chủ động thực hiện các giải pháp phòng chống hạn mặn, bảo vệ vườn sầu riêng.

Chăm sóc vườn sầu riêng.

Hiện nhiều vườn sầu riêng ở các địa phương ven sông Tiền thuộc huyện Châu Thành, huyện Cai Lậy, thị xã Cai Lậy và huyện Cái Bè đang sản xuất nghịch vụ và dự kiến sẽ thu hoạch trái vào khoảng tháng 3 hoặc tháng 4 tới. Vì vậy, với tình hình độ mặn đã lấn sâu đến xã Bình Đức, huyện Châu Thành, ngay sau những ngày nghỉ Tết nguyên đán, nhà vườn tập trung cao cho việc phòng chống xâm nhập mặn, bởi lẽ nước mặn luôn là “khắc tinh” của cây sầu riêng.

Tại xã Long Tiên, là vùng sầu riêng chuyên canh giáp với sông Tiền nên nguy cơ bị xâm nhập mặn rất cao. Cùng với giải pháp của nhà nước là đóng cống ngăn mặn ở các cửa sông lớn thì nhà vườn trồng sầu riêng cũng nêu cao tinh thần chủ động, tự giác nạo vét mương vườn để trữ nước ngọt, chống hạn hán, nhất là chăm sóc chu đáo vườn cây, tăng cường dinh dưỡng để cây khỏe, vượt qua áp lực thời tiết khắc nghiệt, không thuận lợi.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 20.000 ha sầu riêng, trong đó có hơn 70% diện tích thuộc các địa phương phía Nam Quốc lộ 1, giáp với sông Tiền nên khi nước mặn dâng cao thì sẽ gián tiếp đe dọa sự an toàn của vườn cây. Cùng với giải pháp công trình thì các ngành, các cấp tăng cường thực hiện các giải pháp phi công trình và tổ chức tập huấn, chuyển giao quy trình sản xuất sầu riêng thích ứng với hạn, xâm nhập mặn, quyết tâm bảo vệ vườn cây an toàn vượt qua mùa hạn mặn 2024 dự báo gay gắt hơn so với cùng kỳ năm trước.

Kim Nữ – Lê Thi