Khi hàng Việt được chiếm lĩnh thị trường trong nước

(THTG) Theo thống kê từ Bộ Công Thương, đến nay hàng Việt đã chiếm tỉ lệ cao, trên 90% trong các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước, tại các hệ thống siêu thị nước ngoài ở Việt Nam chiếm từ 60 – 96%. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỉ lệ hàng Việt tại chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên.

Hàng Việt đã chiếm tỉ lệ cao trong các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước.

Riêng Tiền Giang có khoảng 90% sản phẩm hàng hóa Việt Nam được bày bán trong các cửa hàng bán lẻ, cửa hàng bách hóa, hợp tác xã, hệ thống các siêu thị trong tỉnh. Sản phẩm hàng hoá phục vụ nhu cầu học tập của học sinh có đến 95% là hàng Việt. Sản phẩm thuốc, dụng cụ y tế chiếm trên 65% trong các bệnh viện và tiêu dùng sử dụng của nhân dân…

Kết quả này là nhờ tỉnh thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ từ tỉnh đến huyện. Trong đó, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, công tác tuyên truyền…. của các cấp, các ngành đã tác động mạnh mẽ đến các hộ tiểu thương ở các chợ và người tiêu dùng ưu tiên bán và sử dụng hàng mang thương hiệu Việt.

Đi đôi với đó là các doanh nghiệp Việt ngày càng chú trọng hơn đến chất lượng, mẫu mã… điều này đã làm cho người tiêu dùng quan tâm và ưu tiên dùng hàng Việt.

Trên thực tế hầu hết các HTX, siêu thị, Trung tâm thương mại … trên địa bàn TG đều trưng bày và lựa chọn những vị trí đẹp, để trưng bày hàng Việt, tạo thuận cho người tiêu dùng dễ dàng mua. Đặc biệt vào mùa Tết nguyên đán vừa qua, thị trường TG gần như tràn ngập hàng Việt, từ hàng hóa thiết yếu đến hàng bánh kẹo….

Tiếp tục thực hiện Cuộc Vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tỉnh Tiền Giang đã và đang tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ của địa phương tiếp cận nguồn vốn để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, khai thác lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đầu tư, phát triển hạ tầng thương mại, mở rộng mạng lưới bán hàng, đưa hàng Việt về nông thôn, nhất là ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

 

Thùy Trang – Lê Long