Xây dựng thị xã Cai Lậy thành đô thị trung tâm phía Tây
(THTG) Sau 10 năm thành lập, được sự quan tâm lãnh đạo của cấp trên cùng với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, kinh tế – xã hội của thị xã Cai Lậy ngày càng phát triển, quốc phòng – an ninh được giữ vững, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Ghi nhận nhất là thị xã Cai Lậy đang từng bước trở thành đô thị trung tâm vùng kinh tế phía Tây của tỉnh Tiền Giang.
Thị xã Cai Lậy đang từng bước trở thành đô thị trung tâm vùng kinh tế phía Tây của tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Đoàn Vũ
Thị xã Cai Lậy giữ vị trí quan trọng trong liên kết vùng, tiểu vùng trong và ngoài tỉnh, là trung tâm giao lưu kinh tế – văn hóa quan trọng giữa vùng Bắc sông Tiền với vùng Đồng Tháp Mười, hướng về thành phố Mỹ Tho và thành phố Hồ Chí Minh. Trải qua 10 năm xây dựng và phát triển, với nhiều thuận lợi và nhiều khó khăn đan xen, nhất là sau khi chia tách, thị xã phải mất nhiều thời gian để sắp xếp, ổn định bộ máy từ thị xã đến cơ sở, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã đã phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, chinh phục thách thức, đã có những bước tiến quan trọng, tạo dựng một vóc dáng đô thị trẻ, đầy tiềm năng và tự tin phát triển đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực.
Cùng với đô thị hóa, thị xã Cai Lậy rất quan tâm đến tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng đô thị, gia tăng giá trị trên cùng diện tích đất canh tác. Hiện sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thị xã chiếm khoảng 30,5% trên tổng giá trị sản xuất. Trong đó có khoảng hơn 70% dân số khu vực ngoại thị có thu nhập chính từ sản xuất nông nghiệp. Nổi bật có trồng trọt chiếm trên 70% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp và đang giữ vai trò chủ lực trong kinh tế nông thôn với khoảng 7.500 ha.
Một thế mạnh khác là toàn thị xã hiện có khoảng 3.000 ha sầu riêng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Cùng với công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, thời gian gần đây, chính quyền rất tích cực liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để trái sầu riêng rộng đường xuất khẩu chính ngạch, khai thác thêm giá trị kinh tế từ loại trái cây đặc sản được địa phương đưa vào nghị quyết phát triển nông nghiệp này.
Kim Nữ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.