Vụ lúa đông xuân ở vùng ĐBSCL được mùa, người dân có lãi
Hiện nay, nông dân các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đang bước vào thu hoạch rộ vụ lúa Đông Xuân. Vụ lúa này toàn vùng xuống giống gần 1,5 triệu hecta, năng suất mỗi hecta đạt từ 7 đến 7,4 tấn. Trên các cánh đồng đang thu hoạch, người dân vui mừng khi lúa trúng mùa, giá bán cao hơn năm trước, tùy từng giống lúa và chi phí sản xuất người dân có lãi khá cao khoảng 40 triệu đồng/hecta.
Với diện tích lúa Đông Xuân của Cần Thơ hơn 72.800 hecta, tập trung chủ yếu vào những giống lúa như: Jasmin85,OM380, OM5451, Đài Thơm 8; OM18 để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Hiện nay, giá lúa tăng 200 đồng/kg ở giống Đài Thơm 8 so với tuần trước, giá lúa tươi đang được người dân bán với giá từ 7.100 đồng/kg đến 7.800 đồng/kg tùy từng giống lúa.
Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Cần Thơ, với mức giá mà thương lái đưa ra và điều kiện sản xuất lúa thuận lợi thì người dân đạt được thắng lợi cả về năng suất và lợi nhuận. Tuy nhiên, để ngành hàng lúa gạo phát triển bền vững thì sự liên kết giữa người dân, doanh nghiệp vẫn là vấn đề mấu chốt. Khi có sự liên kết chặt chẽ sẽ giúp bà con an tâm sản xuất, doanh nghiệp có nguồn hàng ổn định để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu.
Theo ông Nghiêm, đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh triển khai ở ĐBSCL sẽ tạo ra cú hích cho ngành hàng lúa gạo về chất lượng, minh bạch, trách nhiệm. Bên cạnh đó, điều quan trọng là đề án sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp mạnh dạn, yên tâm phát triển thị trường và liên kết chặt chẽ với người dân hơn trong quá trình sản xuất lúa gạo.
“Thành phố Cần Thơ cũng xác định vùng tham gia đề án với quy mô khoảng 50.000 hecta trên nền tảng các vùng tham gia dự án VnSAT khoảng 38.000 hecta. Thành phố cũng đang tập trung triển khai các vùng sản xuất, chúng tôi đang rà soát để xây dựng, thiết lập các mã vùng trồng ở những cái vùng tham gia đề án 1 triệu hecta. Đẩy mạnh công tác chuyển giao các gói kỹ thuật như 1 phải 5 giảm, giải pháp canh tác lúa thông minh để đẩy mạnh các giải pháp canh tác bền vững. Đồng thời, trong vụ Đông Xuân này TP.Cần Thơ tích cực vận động bà con hạn chế đốt đồng, đẩy mạnh công tác thu gom rơm, rạ để tăng chuỗi giá trị trong ngành hàng lúa gạo, phát triển kinh tế tuần hoàn và giảm khí phát thải”, ông Trần Thái Nghiêm thông tin.
Còn theo Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long, sau khi có Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh sản xuất kinh doanh xuất khẩu lúa gạo bền vững minh bạch hiệu quả, Sở Công thương Vĩnh Long cũng đã có văn bản gửi UBND các huyện thị xã, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lúa gạo nên giá lúa trên địa bàn tỉnh hiện nay đã được cải thiện.
“Chúng tôi tuân thủ Chỉ thị của Thủ tướng rất nghiêm ngặt, phối hợp với các sở Ban ngành và địa phương để triển khai thực hiện. Có văn bản gửi xuống các huyện, các HTX thu mua lúa, các công ty lương thực để hỗ trợ bà con theo đúng tinh thần chỉ thị. Vụ đông xuân này là vụ bà con nông dân trúng mùa nhất, canh tác nhiều nhất nên giá lúa có xuống nhẹ, nhưng hôm nay cũng đã ổn định trở lại”, ông Trần Nhựt Thanh, Giám đốc sở Công thương tỉnh Vĩnh Long cho biết.
Sau Tết Nguyên đán giá lúa tại khu vực ĐBSCL biến động khi giá lúa sụt giảm hơn so với thời điểm trước Tết. Nhiều nông dân với tâm lý chờ đợi giá lúa tăng mới bán, còn doanh nghiệp thì thu mua cầm chừng chờ tín hiệu thị trường khiến cho không ít nông dân ở trồng lúa ở ĐBSCL lo lắng.
Trước những biến động về thị trường lúa gạo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới.
Nguồn vov.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.