Tiền Giang với lộ trình tắt sóng 2G chuyển sang 4G

(THTG) Ngày 27/09/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Công văn 4833 về việc triển khai kế hoạch và lộ trình dừng công nghệ di động 2G trên toàn quốc (tắt sóng 2G). Theo đó, các nhà mạng sẽ không thực hiện tắt sóng 2G đồng loạt mà theo lộ trình và thời hạn chậm nhất là tháng 9/2024 các nhà mạng phải tắt sóng 2G.

Thực tế hiện nay, tỉnh Tiền Giang vẫn còn nhiều người dân sử dụng sóng 2G, và nhiều người vẫn chưa nắm được thông tin sẽ tắt sóng 2G theo quy định của Bộ Thông tin và truyền thông, hoặc biết nhưng vẫn chưa đi chuyển đổi vì nhiều lý do.

Sóng 2G là thuật ngữ chỉ các hệ thống thông tin di động thế hệ thứ 2 được triển khai từ năm 1990, sử dụng công nghệ di động mặt đất GSM. Dễ hiểu nhất là mạng truyền sóng 2G gắn với hình ảnh chiếc điện thoại “cục gạch”, điện thoại “cùi bắp” phổ biến trong thập niên 90, đáp ứng việc gọi thoại, nhắn tin nhưng không thể kết nối internet tốc độ nhanh như các điện thoại 3G, 4G hay 5G hiện nay.

Việc chuyển đổi nâng cấp từ sóng 2G lên sóng 4G rất dễ dàng, không mất nhiều thời gian và tất cả các dữ liệu cá nhân đều được giữ lại, không thay đổi.

Việc tắt sóng 2G đã được triển khai ở nhiều nước trên thế giới và đã mang lại hiệu quả to lớn như: giúp tận dụng tài nguyên tần số cho các công nghệ viễn thông hiện đại hơn, tối ưu chi phí vận hành và khai thác cho hệ thống mạng 4G, giúp mạng 4G chạy nhanh hơn, phục vụ tốt hơn cho người dân. Bên cạnh đó, đa số người dân đã nâng cấp thiết bị và không còn sử dụng mạng 2G nữa, chính là lý do tắt sóng mạng 2G, thay vào đó là đẩy mạnh sự phát triển của mạng 4G/5G. Việc tắt sóng 2G vô cùng cần thiết vì sự an toàn của người dân, nhất là cuộc cách mạng số và cũng như an ninh quốc gia. Khi sóng 2G bị tắt, các thuê bao đang sử dụng điện thoại 2G sẽ bị ngưng kết nối, không liên lạc được nữa.

Theo các nhà mạng thì việc chuyển đổi nâng cấp từ sóng 2G lên sóng 4G rất dễ dàng, không mất nhiều thời gian và tất cả các dữ liệu cá nhân đều được giữ lại, không thay đổi.

Hiện nay, các nhà mạng lớn trên đại bàn tỉnh Tiền Giang đã có những chương trình, kế hoạch để việc chuyển đổi của người dân được thuận tiện. Riêng tại Viettel Tiền Giang, một trong những nhà mạng lớn với trên 1 triệu thuê bao, có hạ tầng 4G phủ 99% dân số tại Tiền Giang đã thực hiện việc chuyển đổi mạnh mẽ từ năm 2023, với nhiều chương trình khuyến mãi, ưu đãi, khuyến khích khách hàng chuyển đổi. Và hiện nay Viettel Tiền Giang đang thực hiện 2 việc lớn đó là chương trình khuyến mãi và liên kết chính quyền địa phương để thực hiện chuyển đổi.

Việc tắt sóng mạng 2G là sự cần thiết và đã thực hiện theo kế hoạch, lộ trình của Bộ Thông tin và truyền thông, chính vì vậy người dân đang sử dụng mạng 2G cần nắm thông tin và sớm chuyển đổi để không bị ngưng kết nối, mất liên lạc khi nhà mạng tắt sóng.

 Tin và ảnh: Bá Thủy