Giá sầu riêng bật tăng, các địa phương lo kiểm soát chất lượng
Tại Hậu Giang, TP Cần Thơ hiện giá sầu riêng đang được thương lái mua với giá từ 120.000 – 200.000 đồng/kg tùy loại. Đây là mức giá rất cao, tăng từ 40.000 – 60.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giá này đã kéo dài từ giữa tháng 3 đến nay.
Tuy nhiên, tại một số địa phương đã xuất hiện tình trạng đáng lo ngại khi thương lái dùng nhiều chiêu trò để thao túng ép giá nông dân. Cụ thể, theo ông Huỳnh Văn Hoảnh, Giám đốc Hợp tác xã Tân Thới 1 (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), một số thương lái đến tận vườn thu mua sầu riêng đẩy giá tăng cao rồi làm hợp đồng viết tay với người dân. Đến ngày thu hoạch thương lái sẽ cắt trái khoảng 5% diện tích, sau đó chèn ép nông dân để hạ giá từ 20% – 30%, nếu người dân không bán thì thương lái bỏ cọc. Theo ông Huỳnh Văn Hoảnh, sầu riêng đã cắt một đợt trái mà muốn bán cho thương lái khác thì giá lại tiếp tục giảm từ 30% – 35% so với giá đã thỏa thuận trước đó. Nông dân chịu thiệt liên tiếp.
Huyện Phong Điền, TP Cần Thơ có diện tích trồng sầu riêng hơn 3.530ha, và diện tích đang cho trái hơn 2.000ha. Hiện nay, sầu riêng đang bước vào giai đoạn thu hoạch chính vụ, ước sản lượng sầu riêng năm nay của huyện Phong Điền trên 32.600 tấn.
Đáng lo ngại hơn, khoảng 1 tháng qua, huyện Phong Điền đã xuất hiện một số thương lái mua sầu riêng non, kém chất lượng, xử lý hóa chất để chín trái, sau đó đem đi tiêu thụ làm ảnh hưởng đến thương hiệu sầu riêng của địa phương. Trước thực trạng này, huyện Phong Điền đã yêu cầu các xã, thị trấn nắm chặt tình hình mua bán sầu riêng và khuyến cáo người dân thu hoạch sầu riêng đúng thời điểm để đạt chất lượng cao nhất.
Thời gian qua, dù giá sầu riêng có biến động tăng giảm, song nhìn chung nông dân đều bán có lợi nhuận ở mức chấp nhận được nên diện tích trồng sầu riêng ở ĐBSCL tiếp tục tăng.
Theo ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, hiện trên điện bàn có gần 650ha sầu riêng, tăng gần 150ha so với cuối năm 2022. Hiện Phụng Hiệp cũng đã có 30ha sầu riêng đạt chứng nhận VietGAP được doanh nghiệp bao tiêu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Theo Cục Trồng trọt, trong 10 năm qua (2013-2023), diện tích sầu riêng của vùng ĐBSCL tăng thêm 20.600ha, từ 12.600ha lên 33.200ha. Sản lượng sầu riêng đạt khoảng 330.000 tấn. Giá sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc các tháng đầu năm 2024 rất cao. Một số nông dân đã chuyển đổi cây trồng như lúa, mít… sang trồng sầu riêng, một số diện tích chuyển đổi không theo vùng quy hoạch của địa phương.
Hậu Giang có khoảng 2.500ha trồng sầu riêng, tăng 640ha so cùng kỳ năm 2023. Trong đó có khoảng 1.000ha, đang thu hoạch với năng suất trung bình 14-16 tấn/ha. Trong đó, sầu riêng Ri6 chiếm 84%, Monthong chiếm 12%, các giống khác chiếm 4%.
Theo bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, nông dân nên tìm hiểu và nắm kỹ các biện pháp kỹ thuật trong canh tác cây sầu riêng. Chỉ nên trồng cây sầu riêng ở những vùng đất phù hợp với điều kiện phát triển của cây sầu riêng. Và nên trồng sầu riêng tập trung, thực hiện liên kết sản xuất, xây dựng mã số vùng trồng xuất khẩu. Đồng thời cần liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu để tạo mối liên kết sản xuất- tiêu thụ ổn định và bền vững. Bên cạnh đó, nông dân cần tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng nông sản. Trong canh tác cần tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, các loại thuốc có nguồn gốc sinh học…
Hiện Hậu Giang và TP Cần Thơ đã yêu cầu các địa phương có diện tích sầu riêng lớn tăng cường kiểm soát các hoạt động mua bán của thương lái; nắm chặt diễn biến tình hình và khuyến cáo người dân thu hoạch sầu riêng đúng thời điểm. Đối với doanh nghiệp đã đăng ký thu mua sầu riêng tại địa phương thì cần ký hợp đồng liên kết, tiêu thụ và thực hiện đúng các nội dung đã cam kết với người dân để tránh làm ảnh hưởng đến vùng nguyên liệu sầu riêng.
Nguồn sggp.org.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.