Đừng để đường cao tốc trở thành những con đê ở ĐBSCL
Phát biểu về dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý tính thích ứng với biến đổi khí hậu: “Đừng để đường cao tốc trở thành những con đê ở ĐBSCL”.
Quy định cứng nhắc sẽ gây khó cho việc cải tạo chung cư cũ
Tại phiên họp sáng nay 22-4, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói, phải rất chú trọng đến quy hoạch vùng vượt lũ, phân lũ; các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn, tiêu biểu như đường cao tốc.
Bên cạnh đó, việc quy hoạch đô thị phải gắn liền với phát triển kinh tế đô thị; gắn với dân số và kết cấu hạ tầng để cân bằng giữa phát triển đô thị theo chiều rộng và đô thị nén kiểu TOD. Chủ tịch Quốc hội cũng nêu vấn đề chuyển tiếp trong thực hiện pháp luật và đề nghị quy định theo hướng các quy hoạch đã được thẩm định, đã được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch thì tiếp tục được thẩm định, phê duyệt theo quy trình cũ chứ không nên yêu cầu làm lại từ đầu, nhằm đảm bảo quá trình thống nhất, tránh gây khúc mắc, chậm trễ trong việc triển khai.
Từng có kinh nghiệm làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, vấn đề chiều cao công trình trong đô thị cần được nghiên cứu kỹ, toàn diện, không nên quy định cứng nhắc, gây khó khăn cho việc triển khai cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ.
Quy định về phân loại đô thị bất nhất
Nội dung về phân loại đô thị trong dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn được Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho là không thống nhất với hệ thống pháp luật và nên bỏ hẳn ra khỏi dự thảo.
Cụ thể, Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định phân loại các đơn vị hành chính theo 5 tiêu chí (dân số, diện tích tự nhiên, đơn vị hành chính, trình độ phát triển kinh tế và các yếu tố đặc thù). Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn lại quy định 6 loại đô thị, trong đó phân loại đối với nhóm thành phố trực thuộc Trung ương gồm đô thị đặc biệt và đô thị loại 1; nhóm thành phố trực thuộc tỉnh có đô thị loại 1, 2 và 3; thị xã phân loại thành đô thị loại 3 và 4; thị trấn phân loại thành đô thị loại 4 và 5.
Như vậy, 1 đô thị có thể vừa trùng giữa phân loại đô thị và phân loại đơn vị hành chính, song, cũng có thể sẽ không có sự trùng lặp giữa hai cách phân loại này. Khi đó, tổ chức bộ máy của chính quyền một đô thị có thể không tương xứng với thực tế phát triển của địa phương, dẫn đến quá tải cho bộ máy hành chính, chưa phúc đáp đòi hỏi của thực tế hiện nay.
Tổng Thư ký Quốc hội cũng bày tỏ quan tâm đến khái niệm “khu chức năng” trong dự thảo luật và đề nghị rà soát, đối chiếu với quy định về khu chức năng trong Luật Xây dựng, Luật Đất đai để tránh mâu thuẫn, chồng chéo, đảm bảo sự thống nhất trong các quy định của pháp luật.
Ngược lại, theo ông Bùi Văn Cường, nội dung về bảo vệ môi trường trong quy hoạch đô thị và nông thôn được dẫn chiếu sang pháp luật về bảo vệ môi trường; trong khi Khoản 2 Điều 23 Luật Bảo vệ môi trường lại quy định “nội dung quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, thời kỳ quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia được thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch”. Vấn đề này cần quy định rõ trong dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn để có căn cứ thực hiện trong thực tế.
Tiếp cận thông tin quy hoạch là vấn đề người dân rất quan tâm, góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa tiêu cực – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng góp ý. Tuy nhiên, người đứng đầu Ủy ban Pháp luật cho biết, hiện đã có 2 luật quy định rất cụ thể vấn đề này là Luật Tiếp cận thông tin và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, do đó nên rà soát, dẫn chiếu để tránh chồng chéo.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.