Cùng tìm hiểu về địa danh Chiến thắng Giồng Dứa
Giồng Dứa là một bộ phận của Ba Giồng, chạy theo hướng đông – tây, xuất phát từ vòng xoay vào đường cao tốc thuộc xã Tam Hiệp chạy cặp theo Quốc lộ 1 đến cầu Kinh Xáng thuộc xã Long Định.
Ai về Giồng Dứa qua truông (1)
Gió lay bông sậy để buồn cho em.
Địa danh Giồng Dứa gắn liền với một chiến công oanh liệt của quân dân tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) – Chiến thắng Giồng Dứa.
Vào ngày 25 hàng tháng, Bộ Chỉ huy quân Pháp ở Nam bộ thường tổ chức một đoàn xe tiếp tế vũ khí, lương thực cho binh lính của bọn chúng ở các tỉnh miền Tây. Nắm được quy luật đó, Bộ Chỉ huy Khu 8 của ta quyết định tấn công đoàn xe này. Đúng 10 giờ ngày 25/4/1947, đoàn xe quân sự của địch lọt vào trận địa phục kích. Bộ đội ta anh dũng nổ súng tiến công. Bị đánh phủ đầu một cách bất ngờ, toàn bộ quân địch nhanh chóng tan rã. Sau 10 phút chiến đấu, ta giành thắng lợi hoàn toàn, phá hủy 14 xe quân sự; tịch thu nhiều vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng; diệt nhiều tên địch, trong đó có những sĩ quan cao cấp của quân đội thực dân Pháp.
Chiến thắng Giồng Dứa đã gây chấn động lớn trong dư luận trong và ngoài nước, chứng tỏ bộ đội ta ngày càng lớn mạnh, hoàn toàn có khả năng đánh bại lực lượng địch đông hơn gấp nhiều lần và được trang bị hiện đại; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào du kích chiến tranh phát triển mạnh mẽ ở chiến trường Khu 8. Chiến thắng này đã khiến cho quân địch càng hoang mang, dao động. Từ đây, địch buộc phải bố trí lực lượng cơ giới đi hộ tống các đoàn xe chở quân, vũ khí, lương thực; và không dám rút bớt quân để tăng viện cho chiến trường chính miền Bắc.
Để ghi dấu chiến công hiển hách này, năm 1985, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang tiến hành xây dựng tượng đài Chiến thắng Giồng Dứa trong khuôn viên Trường Quân sự Tiền Giang tại ấp Đông, xã Long Định. Năm 2000, do nhu cầu mở rộng Quốc lộ 1, tượng đài đã được quy hoạch tôn tạo và di dời vào phía bên trong, cách vị trí cũ 40 m, trên diện tích gần 9.000 m2 với các hạng mục: công viên, vườn hoa, cây cảnh, hồ cảnh bao bọc chung quanh. Tượng đài cao 7 m và phù điêu dài 24 m, được tạo tác bằng chất liệu bê tông cốt thép. Ngày 27/11/2003, Bộ Văn hóa – Thông tin đã có Quyết định công nhận Di tích Chiến thắng Giồng Dứa là Di tích Lịch sử cấp quốc gia.
(1) Truông là vùng đất hoang, ngõ sâu hun hút, cây cối mọc um tùm, rậm rạp như rừng, thường có ở những vùng đất giồng.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.