Iran công bố báo cáo về vụ tai nạn máy bay chở Tổng thống Raisi
Iran vừa công bố báo cáo đầu tiên về nguyên nhân vụ tai nạn máy bay trực thăng gần đây dẫn đến cái chết của Tổng thống Ebrahim Raisi và đoàn tùy tùng. Việc nhà lãnh đạo Iran tử nạn có thể khiến tình hình chính trị Iran thêm rối ren, khi quốc gia Hồi giáo này đang đương đầu với nhiều áp lực cả trong và ngoài nước.
Theo báo cáo của Bộ Tổng tham mưu Các Lực lượng vũ trang Iran, chiếc trực thăng chở Tổng thống Raisi đã giữ nguyên lộ trình đã định trước đó trong suốt chặng đường và không đi chệch khỏi đường bay. Gần một phút rưỡi trước khi xảy ra vụ việc, phi công của chiếc trực thăng bị rơi đã liên lạc với 2 chiếc trực thăng khác trong đoàn tháp tùng của tổng thống. Không có dấu vết của đạn hay vật dụng tương tự nào được tìm thấy trên mảnh vỡ của chiếc trực thăng bị rơi, cũng như không có vấn đề đáng ngờ nào được phát hiện trong các cuộc trao đổi giữa tháp canh và phi hành đoàn.
Thông tin chi tiết sẽ được cung cấp sau khi điều tra thêm. Được biết, sau khi đâm vào núi, chiếc trực thăng bốc cháy. Thời tiết bất lợi với sương mù và nhiệt độ thấp đã gây nhiều cản trở cho các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ.
Cố Tổng thống Ebrahim Raisi đã được an táng tại thành phố quê nhà Mashhad, cách thủ đô Tehran 900 km về phía đông. Hàng trăm nghìn người dân Iran đã tập trung trên đường phố Mashhad để tiễn đưa ông Raisi. Họ cầm theo hình ảnh cố Tổng thống, cờ đen và các biểu tượng Hồi giáo dòng Shiite:
“Ông ấy là một người phi thường, làm việc không biết mệt mỏi vì người dân. Ông ấy là một người xứng đáng, tên tuổi của ông sẽ được ghi vào lịch sử của Iran.”
Việc ông Raisi qua đời đột ngột đang tạo ra khoảng trống quyền lực lớn, đẩy nền chính trị Iran vào tình thế khó khăn, khi nước này phải tổ chức bầu Tổng thống mới, giữa lúc đối mặt nhiều sức ép cả bên trong lẫn bên ngoài trong bối cảnh tình hình khu vực nhiều bất ổn.
Các nhà phân tích nhận định, Iran đang trải qua những năm khó khăn nhất về mặt chính trị và kinh tế kể từ sau cách mạng năm 1979. Nền kinh tế nước này luôn ở trong tình trạng bất ổn trong hơn 4 thập kỷ qua. Từ năm 2010 tới nay, nền kinh tế Iran có 5 lần tăng trưởng âm.
Không chỉ ảnh hưởng tới tình hình chính trị nội bộ của Iran, cái chết của nhà lãnh đạo Raisi được lo ngại có thể sẽ phần nào tác động đến tình hình địa chính trị khu vực và thế giới. Trong đó có quan hệ giữa Iran với các nước láng giềng như Saudi Arabia, với Israel; tầm ảnh hưởng của Iran trong giải quyết các xung đột khu vực, hay những lo ngại về bất ổn chính trị ở nước này có thể dẫn đến biến động giá dầu toàn cầu, ảnh hưởng đến thị trường năng lượng và các nền kinh tế trên toàn thế giới. Vì vậy, thời gian tới đây sẽ rất quan trọng trong việc xác định đường hướng mà Iran sẽ triển khai. Kết quả của cuộc bầu cử sắp tới và cách tiếp cận của tân Tổng thống sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai của Iran cũng như việc xử lý các mối quan hệ của nước này với thế giới.
Nguồn vov.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.