Tết Đoan Ngọ nhớ mùa Ốc gạo Tân Phong
(THTG) Người dân Cái Bè, Cai Lậy của Tiền Giang có câu: “Ốc gạo Cồn Tre hai người đè một người lể”, nhằm ca ngợi món quà thiên nhiên ban tặng. Dân miệt Cồn Tre, thuộc xã Tân Phong huyện Cai Lậy, Tiền Giang và một số vùng lân cận của huyện Cái Bè thường đổ về vùng này để tắm sông vào dịp mùng 5 tháng 5 âm lịch và thưởng thức món Ốc gạo, một loại đặc sản ngon nức tiếng của vùng cù lao Tân Phong.
Ốc gạo sinh trưởng vào khoảng tháng 5 âm lịch năm trước, đến tháng 4 – 5 năm sau. Mùa thu hoạch rộ đúng dịp Tết Đoan Ngọ (còn gọi Tết Giữa năm). Với ưu thế sẵn có, chúng biến tấu thành nhiều món ngon. Vỏ ốc màu trắng xanh, bề mặt trơn láng, phần chóp nhọn về phía sau và hình vòng xoắn. Nhờ sống ở vùng cát sa nên ốc to, vỏ màu xanh ngọc, ruột dầy nên được rất nhiều người ưa chuộng.
Ốc gạo có đặc tính kỳ lạ ! Vào mùa sinh sản thì vào bờ đào hang, còn ốc non sau khi sinh khoảng một tháng tuổi lại di chuyển ra giữa sông để sống. Khi nước chảy, ốc gạo vùi mình trong đất. Khi nước đứng, ốc ngoi đầu bò ra kiếm phiêu sinh vật để ăn. Loài ốc gạo ngon và lành hơn những ốc khác ở chỗ không có nhớt, ăn đến no mà không có cảm giác nặng bụng. Thịt ốc dai, giòn, có vị ngọt béo và mùi hương rất thơm. Ốc gạo ưa sống ở vùng nước lợ, đặc biệt là môi trường bùn pha cát. Tại nước ta, ốc gạo sống tập trung ở Cồn Tre thuộc xã Tân Phong (Cai Lậy, Tiền Giang); Cồn Phú Đa (Chợ Lách, Bến Tre); Thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp); Thành phố Châu Đốc (An Giang); Thành phố Cần Thơ và 1 số khu vực có cồn trên sông… Ốc gạo có mặt hầu như khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thu hoạch ốc gạo ở cù lao Tân Phong.
Để bắt được ốc gạo lớn con, người dân vùng này phải ngâm mình dưới nước để mò hoặc đãi. Phụ nữ và trẻ em thường mò ốc ở gần bờ, còn đàn ông thanh niên trai tráng thì đãi ốc ở nơi xa hoặc sâu hơn. Đãi ốc, dùng một túi bằng lưới để cào ốc lẫn đất bùn ở đáy sông rồi mang lên để đãi sạch bùn cát và lấy ốc. Ở những vùng nước sâu, người đãi phải nín thở, lặn xuống cào một hơi rồi trồi lên để thở và lặn tiếp. Khắp các lưu vực sông đâu đâu cũng thấy cảnh xuồng, ghe tấp nập vào chính vụ. Ốc gạo được bán rộng rãi ở nhiều nơi trong chợ, siêu thị hoặc cửa hàng bán hải sản.
Để phân biệt ốc gạo và ốcc đắng, ta quan sát ngoại hình và màu sắc của chúng. Ốc đắng có dáng mình tròn, kích cỡ lớn hơn ngón tay. Vỏ ốc màu nâu thẫm, đuôi nhọn và hình xoắn. Ốc sống chủ yếu ao, hồ và sông rạch. Vào mùa sinh sản, Ốc đắng có khuynh hướng bám vào các thân cây mục hay dạ cầu để trú ngụ và đẻ trứng vào mùa mưa. Thịt ốc có vị hơi đắng nhưng càng nhai kỹ, về sau sẽ càng thấy ngọt và thơm. Thịt ốc đắng không ngon bằng ốc gạo nhưng bù lại chúng có mặt quanh năm và giá thành rẻ.
Vài năm gần đây, nguồn lợi ốc gạo một số nơi giảm đáng kể bởi nhiều lý do môi trường sống thay đổi do nạn hút cát lậu, nạo vét sông, kênh làm ảnh hưởng đến sinh trưởng loài ốc. Để loại đặc sản tránh nguy cơ bị khai thác cạn kiệt, thiết nghĩ các ngành chức năng nên có một số phương án bảo vệ, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn đặc sản quí hiếm này. Cấm triệt để khai thác ốc gạo vào mùa sinh sản!
Hải Bình
(Nguyên Trưởng TTXVN tại Tiền Giang)
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.