Bánh mỳ cay
Nói đến đất cảng Hải Phòng sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến món bánh mỳ cay với hương vị và hình dáng hết sức đặc biệt. Chiếc bánh nhỏ xíu, ăn giòn rụm và phải xuýt xoa vị cay cay đã khiến không biết bao thực khách nao lòng khi được thưởng thức.
Bánh mỳ cay hay còn được gọi là bánh mỳ que ở Hải Phòng không giống với bất kỳ loại bánh mỳ ở xứ nào bởi hình dáng và hương vị. Ấn tượng ban đầu là chiếc bánh mỳ nhỏ, chiều rộng chỉ bằng hai ngón tay, chiều dài hơn gang tay và có màu vàng nhạt, trông xinh xắn. Nhiều người khi thấy bánh nhỏ xíu, không biết ăn bao giờ mới đủ no, thế nhưng một người chỉ cần “chén” ba đến năm cái là đã lửng bụng.
Nói về tên gọi của bánh, không phải do hình dáng mà bắt nguồn từ hương vị cay xè của nhân pa tê, chua cay của tương cà chua và ớt, đậm đà vị gan, nguyên liệu chính làm nên tên gọi của món bánh này.
Bánh mỳ cay có hình dáng nhỏ xíu ăn giòn tan và cay xè. |
Để làm được chiếc bánh mỳ cay thơm ngon là sự kết hợp tuyệt vời giữa vỏ bánh giòn rụm và nhân pa tê. Chiếc bánh mỳ nhỏ hơn rất nhiều các loại bánh mỳ khác nhưng để cho ra lò một mẻ bánh cũng cầu kỳ, đòi hỏi sự khéo léo từ xay bột, xéo bột, vê bột đến nướng bánh. Những chiếc bánh nhỏ như thanh que đòi hỏi sự chính xác của người làm bánh, sau khi vê bột thành từng đoạn nhỏ, đặt lên lòng thanh tre cho bánh tròn đều rồi đổ vào lò, căn một lượng thời gian nhất định lấy bánh sao cho bánh không quá nở và cháy xém.
Món bánh mỳ cay không chỉ ngon bởi vị bánh mỳ giòn tan mà còn đi kèm nhân pa tê đậm đà. Nguyên liệu chính để làm nhân pa tê cay là gan, mỡ, thịt nạc tươi sống và không thể thiếu ớt cay, hạt tiêu. Tất cả nguyên liệu đem xay nhuyễn và hấp trong sáu đến tám tiếng sao cho thịt pa tê thơm ngon. Nhiều người thắc mắc không biết chiếc bé tý sao có thể nhồi nhân pa tê vào giữa. Nhưng không, người bán hàng khéo léo, rạch đôi chiếc bánh, thái mỏng lớp pa tê nhét vào ruột bánh, rồi rưới lên trên một lớp tương cà chua. Tuy nhiên, trước khi bán cho khách những chiếc bánh mỳ cay này sẽ được cho vào lò nướng cho giòn.
Thưởng thức bánh mỳ cay kèm nước đậu. |
Khi ăn mùi thơm của vỏ bánh giòn tan quyện với mùi pa tê thơm phức, càng ăn nóng càng thấm thía vị cay xè đầu lưỡi. Nhiều người thích thú món bánh mỳ cay còn bởi nó nhỏ xinh dễ cầm lại vừa miệng, ăn lại có vị giòn tan, rất cay, đặc biệt hơn món bánh mỳ này giá lại rất “bình dân”. Ngoài ra, khi ăn bánh mỳ cay có thể kết hợp với một ly sữa đậu nành, cắn miếng bánh, uống hớp nước đậu mà ngọt mát sẽ xua đi vị cay xè va khô rụm.
Với hương vị ngon lạ đó, món bánh mỳ cay đã xuất hiện ở một số phố phường Hà Nội và thu hút rất đông khách nhất là giờ tan tầm kể cả mùa đông lẫn mùa hè. Đến một số tuyến phố ở Hà Nội như Hào Nam, Hàng Ngang, Hàng Đào, Lý Quốc Sư… không khó để xà vào một quán bánh mỳ cay Hải Phòng khi bụng réo rắt trước bữa cơm chiều.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.