Tiền Giang nhân rộng mô hình công nghệ sinh thái trong sản xuất lúa
(THTG) Trong vụ lúa thu đông 2013, Tiền Giang thực hiện 10 mô hình sản xuất lúa chất lượng cao kết hợp áp dụng công nghệ sinh thái quản lý rầy nâu và các bệnh virus trên lúa hay còn gọi là mô hình “ruộng lúa- bờ hoa” tại 7 huyện sản xuất lúa trọng điểm gồm: Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Tây và Gò Công Đông.
Có gần 500 nông hộ trồng lúa tham gia, với tổng diện tích hơn 300 ha. Theo đó, nông dân được hỗ trợ 100% chi phí mua lúa giống và giống các loài hoa trồng trên bờ ruộng. Tất cả đều sử dụng giống lúa thơm, đặc sản như: VD 20, Jacmine 80, Nàng hoa 9,…. sạ hàng, giảm lượng giống xuống còn từ 100 kg đến 120 kg/ha, 40 ngày đầu không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bón phân cân đối, …Bên cạnh đó, nông dân còn được tập huấn các biện pháp canh tác tiên tiến như: tiết kiệm nước theo kỹ thuật SRI, 1 phải 5 giảm,… Năng suất thu hoạch đạt trên 6 tấn/ha, cao hơn bình quân chung gần 300 kg/ha, đặc biệt giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật khoảng 1 triệu đồng/ha.
Từ hiệu quả sản xuất thực tế đạt được này, các mô hình áp dụng công nghệ sinh thái quản lý rầy nâu và các bệnh virus trên lúa được ngành nông nghiệp Tiền Giang nhân ra diện rộng trong vụ lúa đông xuân 2013-2014, với 15 mô hình trên diện tích gần 500 ha, nhằm giúp nông dân tăng thêm thu nhập trong điều kiện sản xuất lúa ngày càng khó khăn, giá bán bấp bênh như hiện nay và trong tương lai sẽ góp phần nâng cao chất lượng các vùng trồng lúa tập trung, phục vụ xuất khẩu tại địa phương.
Kim Nữ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.