Đề nghị công nhận các di tích nhà Trần ở Thái Bình là di tích cấp Quốc gia đặc biệt
Ngày 17-12, bà Cao Thị Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết: Với những giá trị lịch sử, văn hóa nổi bật của các di sản văn hóa thời Trần trên vùng đất Hưng Hà, Thái Bình sẽ xây dựng hồ sơ khoa học trình cơ quan có thẩm quyền đề nghị xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt.
Dựa vào các nguồn sử liệu như Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử lược, Việt sử thông giám cương mục…thì cách đây gần 800 năm, nhà Trần – một vương triều cường thịnh bậc nhất lịch sử phong kiến Việt Nam đã chọn mảnh đất Long Hưng (huyện Hưng Hà, Thái Bình ngày nay) là nơi phát tích, dựng nghiệp.
Hiện nay, trên vùng đất “địa linh nhân kiệt” này còn gìn giữ , bảo lưu nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể thời Trần có giá trị đặc biệt, đó là Lăng mộ các vua Trần gồm Chiêu lăng (lăng vua Trần Thái Tông), Dụ lăng (lăng vua Trần Thánh Tông), Đức lăng (lăng vua Trần Nhân Tông) tại xã Tiến Đức (huyện Hưng Hà). Riêng Thọ lăng (lăng Thái thượng hoàng Trần Thừa) đã được khai quật năm 1970 phát hiện di cốt để trong lọ gốm thời Lý (hiện đang bảo quản tại Bảo tàng tỉnh Thái Bình).
Các di sản văn hóa vật thể thời Trần quan trọng khác phải kể đến Đền thờ thủy tổ nhà Trần và các vua tiền triều (Trần Kinh, Trần Hấp, Trần Lý, Trần Thừa) và ba vua, bốn hoàng hậu thời Trần; đền thờ Thái sư Trần Nhật Hạo; đền và lăng mộ Thái sư Trần Thủ Độ, Trần Thị Dung tại xã Liên Hiệp (huyện Hưng Hà).
Trên địa bàn huyện Hưng Hà, hiện nay còn tồn tại dòng sông Thái sư do Trần Thủ Độ làm để dẫn nước từ sông Hồng chảy quanh lăng mộ các vua Trần dài khoảng 6km có tác dụng tạo phong thủy, đồng thời là nơi các vua Trần từ kinh thành Thăng Long theo sông Hồng vào sông Thái sư để về Tiên miếu (Thái đường lăng) làm lễ tế tổ hằng năm.
Về di sản văn hóa phi vật thể, trên địa bàn huyện Hưng Hà (hành cung Long Hưng thời Trần xưa) vẫn đang bảo lưu, gìn giữ lễ rước nước, thi cỗ cá, thi gói bánh chưng, tục giao chạ (kết nghĩa anh em) giữa hai làng Tam Đường và Vân Đài có từ hơn 700 năm trước.
Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa thời Trần ở Hưng Hà, ngoài việc phối hợp với Bộ VH-TT và DL lập hồ sơ đề nghị Nhà nước công nhận là di tích cấp Quốc gia đặc biệt, tỉnh Thái Bình đề ra mục tiêu: Bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giữa truyền thống và hiện đại, giữa kinh tế và văn hóa, gắn kết di sản văn hóa với phát triển du lịch. Từ đó đưa khu di tích đền thờ và lăng mộ các vua Trần thành điểm đến nằm trong hệ thống các tour, tuyến du lịch trọng điểm vùng đồng bằng sông Hồng.
Nguồn Nhân dân
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.