Huyện Châu Thành phát huy hiệu quả mô hình “Phục vụ tại nhà, giải ngân tại xã” nguồn vay từ Ngân hàng chính sách
(THTG) Nhằm giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước được thuận lợi, tiết giảm chi phí và tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương, UBND huyện Châu Thành đã chỉ đạo thành lập 23 Điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tại 23/23 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Các Điểm giao dịch đều được bố trí trong khuôn viên Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn, các phiên giao dịch được tổ chức vào ngày cố định hàng tháng, kể cả ngày nghỉ cuối tuần để người dân thuận tiện liên hệ và tiếp cận nguồn vốn. Hầu hết các nghiệp vụ được giải quyết tại điểm giao dịch xã góp phần giảm bớt chi phí đi lại cho người dân trên địa bàn.
Tại điểm giao dịch xã, NHCSXH công khai chính sách tín dụng ưu đãi, thủ tục giải quyết công việc, số liệu hoạt động tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã để các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và người dân tham gia giám sát đảm bảo công khai, minh bạch. Khách hàng giao dịch trực tiếp với NHCSXH để gửi tiền tiết kiệm, nhận tiền vay và trả nợ dưới sự chứng kiến của cán bộ tổ chức chính trị – xã hội, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn và chính quyền địa phương.
Quang cảnh phiên giao dịch tại xã.
Phòng giao dịch NHCSXH huyện Châu Thành luôn tuân thủ chặt chẽ quy trình nghiệp vụ không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng tại các điểm giao dịch xã, hoạt động của NHCSXH luôn được NHCSXH cấp trên, các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác và Ban đại diện hội đồng quản trị NHCSXH các cấp thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Với tinh thần “phục vụ tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”, NHCSXH luôn đồng hành sát cánh, mang nguồn vốn tín dụng chính sách đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Nhờ tổ chức tốt các phiên giao dịch tại các điểm giao dịch xã, thời gian qua chất lượng hoạt động tín dụng chính sách cấp xã, chất lượng hoạt động ủy thác tại Phòng giao dịch NHCSXH huyện được nâng lên rõ rệt. Tổng dư nợ tín dụng chính sách đến ngày 31/7/2024 của huyện Châu Thành đạt 471 tỷ đồng với 13.314 khách hàng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách, thuộc 350 tổ tiết kiệm và vay vốn của 23 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, 100% Tổ tiết kiệm và vay vốn đều giao dịch tại xã, tỷ lệ giải ngân, thu nợ, thu lãi tại xã hàng tháng luôn đạt từ 98% trở lên.
Khách hàng vay vốn NHCSXH nhận tiền vay tại điểm giao dịch xã.
Thông qua hoạt động giao dịch tại xã, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Châu Thành đã cung cấp dịch vụ gửi tiền tiết kiệm cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác một cách tiện ích, chỉ với số tiền tiền gửi hàng tháng rất nhỏ (20.000 – 50.000 đồng/hộ) đến nay đã có 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tham gia gửi tiền tiết kiệm qua tổ với số tiền trên 33 tỷ đồng. Hoạt động tại các điểm giao dịch xã trên địa bàn huyện Châu Thành đã đi vào nề nếp ổn định, hiệu quả thiết thực.
Có thể nói, mô hình điểm giao dịch tại xã chính là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, là một đặc thù riêng có của NHCSXH, đã và đang phát huy hiệu quả rất tích cực trong hoạt động của NHCSXH được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao và được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Mô hình này vừa tạo thuận lợi cho các đối tượng thụ hưởng tiếp cận dịch vụ, thông tin về tín dụng chính sách xã hội, tiết giảm chi phí, thời gian đi lại, vừa đảm bảo hoạt động tín dụng chính sách xã hội dân chủ, công khai với cách thức “giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”, góp phần hạn chế nguy cơ dẫn đến thất thoát, tiêu cực, tham ô chiếm dụng vốn, tạo được lòng tin của nhân dân với các chính sách của Đảng, Nhà nước và đối với hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Ban Biên tập
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.