Lý do Mỹ chưa “bật đèn xanh” cho Ukraine dùng tên lửa tầm xa tấn công sâu vào lãnh thổ Nga
Theo giới quan sát, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang lo ngại rằng, việc “bật đèn xanh” cho Kiev sử dụng tên lửa tầm xa tấn công sâu vào lãnh thổ Nga có thể làm leo thang xung đột ở Ukraine.
Hôm 10/9, Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ sẽ xem xét dỡ bỏ lệnh cấm Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa trong xung đột với Nga. Hãng tin Bloomberg cùng ngày cũng dẫn lời Ngoại trưởng Anthony Blinken “báo hiệu” sẽ có sự thay đổi ý định từ Washington.
Ông chủ Nhà Trắng hiện đang cân nhắc đến việc cung cấp các công nghệ hỗ trợ xác định mục tiêu cho Ukraine trong quá trình khai hỏa Storm Shadow. Tuy nhiên, quyết định tương tự đối với tên lửa ATACMS – một loại vũ khí được sản xuất tại Mỹ sẽ cần nhiều thời gian để duy tính hơn, do một động thái như vậy được cho là sẽ “làm leo thang xung đột ở Ukraine”.
Tên lửa Storm Shadow. Ảnh: Business Insider
Hại nhiều hơn lợi khi cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa nhắm vào lãnh thổ Nga
Ukraine lập luận rằng việc cho phép bắn tên lửa vào lãnh thổ Nga sẽ cắt đứt các tuyến tiếp tế của quân đội Nga, đồng thời “xóa sổ” các máy bay ném bom lượn của Nga được sử dụng để tấn công lực lượng Ukraine ở tiền tuyến trước khi chúng kịp cất cánh.
Tên lửa ATACMS có tầm bắn khoảng 305km sẽ cung cấp cho Ukraine hỏa lực tương tự Storm Shadow trên chiến trường. Ông Ben Wallace, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh cho rằng tên lửa tầm xa sẽ cho phép Ukraine “tạo lớp phòng thủ” để bảo vệ trước các cuộc tấn công của Nga trong phạm vi từ 30 km đến 300 km tính từ tiền tuyến. Ông nói: “ATACMS sẽ hoạt động trong phạm vi 100 km và Storm Shadow sẽ tấn công Ukraine sâu hơn để nhắm vào các sở chỉ huy và trung tâm kiểm soát”.
Tuy nhiên, giới chức Mỹ đang lo ngại rằng, ngay cả khi cùng xuất hiện trên tiền tuyến, hai loại tên lửa này cũng có thể “lép vế” trước hỏa lực của Moscow, sau khi có thông tin về việc Iran đã chuyển giao vũ khí tầm xa cho Nga. Khi được hỏi về vấn đề này trong cuộc phỏng vấn hôm 10/9, ông Biden cho biết: “Chúng tôi đang giải quyết vấn đề đó ngay bây giờ.”
Trong chuyến thăm Kiev tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết ông đã thảo luận về các giới hạn sử dụng tên lửa trên chiến trường và sẽ “mang cuộc thảo luận đó trở lại Washington để báo cáo với tổng thống”.
Tuy nhiên, các nguồn tin tình báo nói với tờ New York Times rằng ông Biden khó có thể cấp phép cho Ukraine sử dụng cả Storm Shadows và ATACMS do lo ngại những phản ứng mạnh mẽ từ Điện Kremlin.
Ông John Kirby, người phát ngôn an ninh quốc gia Nhà Trắng, cho biết sẽ không có thay đổi nào trong chính sách của Mỹ về việc sử dụng tên lửa tầm xa trên chiến trường Ukraine. Tình báo Mỹ cho rằng việc cho phép phóng các tên lửa do Mỹ sản xuất vào các mục tiêu của Nga có thể khiến Điện Kremlin thay đổi học thuyết hạt nhân, không loại trừ khả năng sử dụng đến bom nguyên tử. Đồng thời, điều này có thể làm leo thang xung đột ở Ukraine, đặc biệt là khu vực Donbas ở phía Đông nơi giao tranh đang diễn ra ác liệt.
Trước đó, phát biểu trước báo giới, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố “Ukraine không thể tấn công vào sâu bên trong lãnh thổ Nga” nếu không có sự giúp đỡ của phương Tây vì họ cần dữ liệu trinh sát từ vệ tinh để thực hiện hành động như vậy.
Hôm 12/9, Tổng thống Putin cảnh báo rằng việc phương Tây tiếp tục viện trợ cho Ukraine và cho phép nước này sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công vào lãnh thổ Nga có thể “biến phương Tây thành một bên tham chiến”. Ông cũng nhấn mạnh Moskva sẽ đưa ra quyết định thích đáng dựa trên các mối đe dọa có thể xảy ra với Nga.
Các hạn chế ban đầu được đưa ra nhằm cho phép Mỹ và các đồng minh tuyên bố họ không trực tiếp tham gia cuộc xung đột với Nga trong khi vẫn cung cấp vũ khí cho Ukraine với số tiền lên tới hơn 200 tỉ USD. Kiev đã kêu gọi dỡ bỏ các hạn chế này kể từ tháng 5.
Chia rẽ bên trong nội bộ phương Tây
Việc sử dụng tên lửa tầm xa trong xung đột Nga-Ukraine là chủ đề mới nhất được đưa ra trong các cuộc gặp ngoại giao giữa phương Tây về sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine, sau các cuộc thảo luận tương tự về việc cung cấp pháo HIMARS, xe tăng M1- Abrams và máy bay chiến đấu F-16.
Tờ The Guardian hôm 11/9 đưa tin, Anh đã đồng ý cho phép Ukraine dùng tên lửa Storm Shadow của mình tấn công vào lãnh thổ Nga. Mỹ chần chừ trong việc đưa ra quyết định, trong khi Đức thẳng thừng từ chối.
Phát biểu tại một cuộc họp báo mới đây, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết: “Đức đã đưa ra quyết định rõ ràng về những gì chúng tôi sẽ làm và những gì chúng tôi sẽ không làm. Quyết định này sẽ không thay đổi.” Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cũng khẳng định những gì mà Washington và London thống nhất “là chuyện của họ”.
Đức là nước nhà viện trợ quân sự lớn thứ hai của Ukraine sau Mỹ nhưng Berlin đang có kế hoạch giảm một nửa ngân sách viện trợ vào năm tới. Ông Scholz đang phải đối mặt với áp lực trong nước về vấn đề viện trợ do sự chia rẽ trong chính nội bộ đảng. Tuy nhiên, chính phủ đã Đức khẳng định rằng họ “hoàn toàn cam kết” ủng hộ Ukraine “khi cần thiết”.
Trước những chia rẽ ngay bên trong khối NATO, lập trường của Nhà Trắng đã nhiều lần thay đổi. Giới quan sát đang đặt ra câu hỏi, liệu Tổng thống Joe Biden có tiếp tục nới lỏng các điều khoản sử dụng vũ khí viện trợ dành cho Ukraine hay không, khi Anh đang đề cập đến “một quyết định chậm trễ có thể dẫn đến thất bại của Kiev”.
Hiện Nga vẫn có giành thế chủ động ở Charsov Yar và Pokrovsk, trong khi tại Kursk, bước tiến của quân đội Ukraine cũng đang chậm dần sau khi Moscow phát động phản công. Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) có trụ sở ở Mỹ đánh giá, trong những ngày đầu phản công, Nga có thể đang ưu tiên kiểm soát các khu vực mang ý nghĩa chiến thuật, từ đó tạo bước đệm trước khi dồn toàn lực đẩy lùi Ukraine khỏi vùng Kursk.
Theo VOV
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.