Giảm 87 đơn vị hành chính cấp xã tại 13 tỉnh, thành phố
Sau khi thực hiện sắp xếp tại 13 tỉnh, thành phố này, sẽ giảm 87 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã.
Tiếp tục phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình của Chính phủ về đề án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 của 13 tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Cần Thơ, Đắk Lắk, Đồng Nai, Gia Lai, Khánh Hòa, Lào Cai, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Ninh, Thái Bình, Tiền Giang và Vĩnh Long.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật đã họp phiên toàn thể để thẩm tra các đề án này.
“Ủy ban Pháp luật đánh giá cao quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ, vào cuộc khẩn trương của Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng, cũng như quyết tâm chính trị, sự nỗ lực, trách nhiệm cao của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị của 13 tỉnh, thành phố nêu trên trong việc quán triệt và khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã. Sau khi thực hiện sắp xếp tại 13 tỉnh, thành phố này, sẽ giảm được 87 ĐVHC cấp xã”, ông Hoàng Thanh Tùng khái quát.
Cơ quan thẩm tra nhìn nhận việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã tại 13 tỉnh, thành phố đều phù hợp với các quy hoạch có liên quan. Các ĐVHC của các tỉnh, thành phố sau sắp xếp cơ bản đều bảo đảm các tiêu chuẩn của loại ĐVHC tương ứng, đáp ứng yêu cầu của việc sắp xếp theo quy định tại các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Quang cảnh phiên họp.
Hiện tại, còn 12 ĐVHC cấp xã của 5 tỉnh sau sắp xếp dự kiến vẫn chưa đáp ứng tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên theo yêu cầu của công tác sắp xếp; nhưng theo giải trình của Chính phủ thì không thể nhập thêm với các ĐVHC liền kề, gồm: phường Phương Sài (TP Nha Trang, Khánh Hòa); phường 1 (TP Mỹ Tho, Tiền Giang); xã Ái Quốc, xã Nam Tiến (huyện Tiền Hải, Thái Bình); xã Việt Dân (thị xã Đông Triều) và phường Trần Phú (TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh); các xã thuộc tỉnh Bắc Giang: xã Lam Sơn (huyện Tân Yên), các xã Toàn Thắng, Hoàng Vân, Đồng Tiến, Hùng Thái (huyện Hiệp Hòa), xã Tiên Lục (huyện Lạng Giang).
Các trường hợp không thực hiện sắp xếp do yếu tố đặc thù (gồm 3 ĐVHC cấp huyện và 67 ĐVHC cấp xã) cũng đã được Chính phủ và cơ quan thẩm tra của Quốc hội thống nhất quan điểm.
Về thời điểm có hiệu lực thi hành, các nghị quyết sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của 12 tỉnh, thành phố (trừ tỉnh Bắc Giang) có hiệu lực từ ngày 1-11-2024; riêng Nghị quyết sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của tỉnh Bắc Giang thì sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025 (do có nhiều ĐVHC cấp huyện, cấp xã có thay đổi, điều chỉnh) để tạo điều kiện cho địa phương trong công tác chuẩn bị, kiện toàn tổ chức bộ máy và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của ĐVHC hình thành sau sắp xếp.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.