Kiểm tra lục bình và công tác thủy lợi tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy

(THTG) Ngày 15/10, Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang do ông Nguyễn Đức Thịnh – Phó Giám đốc Sở làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác quản lý và duy trì thông thoáng lòng sông, kênh rạch trên địa bàn các huyện: Cái Bè và Cai Lậy.

Tại huyện Cái Bè, đoàn kiểm tra đã khảo sát tình hình lục bình, dòng chảy tại các tuyến kênh rạch trọng yếu. Hiện trên địa bàn huyện Cái Bè có kênh chính, cấp 1 là 18 kênh, với chiều dài là 225.813m; kênh cấp 2, cấp 3, nội đồng có tổng số 700 tuyến kênh, với tổng chiều dài khoảng 705.215m. Hiện nay, tình trạng lục bình, cỏ dại rất nhiều trên các tuyến sông, kênh, đặc biệt lục bình tái sinh rất nhanh trên các tuyến kênh cấp 2,3 vì các tuyến này nằm trong các ô bao.

Đoàn công tác Sở NN và PTNT tỉnh Tiền Giang kiểm tra lục bình và công tác thủy lợi tại các huyện Cái Bè. Ảnh: Minh Nguyên

Để giải quyết tình trạng trên, huyện Cái bè đã xây dựng kế hoạch trực vớt lục bình, cỏ dại, chướng ngại vật. Theo đó, trục vớt bằng cơ giới ở 34 tuyến sông, kênh, rạch ở 15 xã bị tù đọng, tổng diện tích lục bình là 624.600m2, ước tổng kinh phí trên 598 triệu đồng. Trục vớt bằng thủ công có 67 tuyến sông, kênh, rạch ở 14 xã, ước tổng kinh phí gần 150 triệu đồng.

Qua chuyến khảo sát thực tế, đoàn kiểm tra đề nghị huyện Cái Bè tiếp tục thực hiện tốt phương án số 390 của UBND tỉnh; đẩy mạnh công tác kiểm tra, đối với các tuyến kênh, rạch nhỏ sẽ giao các xã, thị trấn phân công, huy động mọi nguồn lực kể cả vận động nhân dân cùng tham gia trục vớt, đảm bảo thông thoáng trên đại bàn không để ảnh hưởng dòng chảy, không sử dụng hóa chất để diệt lục bình làm ô nhiễm nguồn nước.

Buổi chiều cùng ngày, Đoàn tiếp tục khảo sát, kiểm tra công tác này tại huyện Cai Lậy. Để quản lý, duy trì thông thoáng lòng kênh, rạch tại huyện Cai Lậy, thời gian qua, công tác này được thực hiện quyết liệt. Huyện đã huy động cả hệ thống chính trị nên việc vớt lục bình diễn ra thuận lợi, góp phần tạo thông thoáng dòng chảy, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhất là thuận lợi trong việc tích trữ nguồn nước và tiêu úng khi mưa lớn, tăng khả năng dẫn nước tới đến các khu vực cuối nguồn, đảm bảo phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho nhân dân.

Tuy nhiên, huyện vẫn còn gặp 1 số khó khăn trong thực hiện như: do thời gian sinh trưởng và phát triển của lục bình rất nhanh nên có lúc ở 1 số nơi có hiện tượng lục bình phát sinh trở lại.

Từ khảo sát thực tế, Đoàn kiểm tra lưu ý huyện Cai Lậy tiếp tục phát huy, duy trì giải pháp nhằm đảm bảo lòng sông, kênh, rạch được thông thoáng; trong đó nâng cao nhận thức của nhân dân và các cấp chính quyền địa phương về tác hại của lục bình. Qua đó, vận động tất cả phải vào cuộc, lấy người dân tại địa phương làm trung tâm. Đồng thời, kiên quyết xử lý các vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi và các hoạt động gây ô nhiễm nguồn nước.

                                                                Hồng Tuyến