Tiền Giang đề xuất danh mục đầu tư 481 tỷ đồng làm Đề án 1 triệu ha lúa

Tiền Giang đang tập trung triển khai thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030

Hiện nay, toàn tỉnh Tiền Giang có hơn 54.000 ha đất trồng lúa, diện tích gieo trồng lúa hàng năm khoảng 130.000 ha, sản lượng thu hoạch gần 800.000 tấn. Địa phương đã đăng ký tham gia Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp” với diện tích 29.500 ha, tại 7 địa phương, gồm huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy, huyện Tân Phước, huyện Gò Công Đông, huyện Gò Công Tây, thị xã Cai Lậy và thành phố Gò Công.

Mô hình sản xuất lúa hữu cơ, phát thải thấp tại huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang

Để thực hiện Đề án, phía tỉnh đã phối hợp với Ban Quản lý các dự án nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) rà soát, đề xuất danh mục đầu tư “Dự án hỗ trợ hạ tầng và kỹ thuật cho sản xuất lúa các bon thấp vùng ĐBSCL, vay vốn WB, tỉnh Tiền Giang” với hơn 481 tỷ đồng; trong đó, vốn vay WB là hơn 331 tỷ đồng, vốn đối ứng trên 90 tỷ đồng để sử dụng đầu tư xây dựng, phát triển và chuyển giao công nghệ và nguồn vốn khác hơn 59 tỷ đồng.

Trong đó, hợp phần phát triển cơ sở hạ tầng cho chuỗi lúa gạo chất lượng cao các bon thấp đề xuất đầu tư với tổng kinh phí hơn 397 tỷ đồng. Đến nay, có 7/7 địa phương trên địa bàn tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Đề án.

Ngoài ra, tỉnh Tiền Giang đã thực hiện 2 mô hình canh tác lúa thông minh, giảm phát thải trong vụ Hè Thu năm 2024, tại huyện Gò Công Tây và huyện Gò Công Đông và tiếp tục nhân rộng các vụ tiếp theo. Tỉnh cũng đang phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa quốc tế và Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) để thực hiện 2 mô hình/40 ha lúa, tại huyện Gò Công Tây và huyện Gò Công Đông. Nhìn chung Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp” rất được các HTX, DN và nông dân tham gia, hưởng ứng tích cực.

Ông Châu Minh Hải, Giám đốc Công ty TNHH MTV sản xuất kinh doanh HK tại Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cho biết hiện DN đang hướng nông dân sản xuất theo mô hình, dự án 1 triệu ha lúa của Thủ tướng Chính phủ, giúp người nông dân trồng lúa an toàn về đầu ra sau này.

“Nhưng để thực hiện đồng hành 1 triệu ha lúa này cần phải nhìn lại, DN tham gia phải có kỹ thuật, hỗ trợ nông dân vật tư đầu vào, hợp tác xã là người đứng bao tiêu lúa mà nông dân sản xuất ra”, ông Hải nói.

Theo VOV