Mỹ Tho – vùng đất của nghệ thuật ca cầm Nam bộ

Cho đến ngày nay, vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào khẳng định ở nơi đâu, thời điểm nào nảy sinh ra dòng nhạc tài tử Nam bộ. Tuy nhiên, khi mở rộng vùng nghiên cứu bao quanh loại hình nghệ thuật này và dựa trên những sự kiện khác diễn biến trong lịch sử có liên quan, thì tất cả các nhà nghiên cứu đều có điểm thống nhất chung về nguồn gốc của đờn ca tài tử.

Bàn về nguồn gốc nhạc tài tử, GS – Nhạc sĩ Tô Vũ đã viết: Nền văn hóa Nam bộ nói chung, âm nhạc Nam bộ nói riêng có gốc nguồn từ miền Trung (Ngũ Quảng trở vào). Và, nếu ta cho rằng, chính âm nhạc miền Trung đó cũng lại xuất phát từ miền Bắc, được Nguyễn Hoàng cũng như các hậu duệ đem cấy vào vùng Thuận Hóa, dẫu nó được phát triển trong vương quốc Đàng Trong, vẫn gắn bó khắng khít về mặt văn hóa với cội nguồn Đàng Ngoài.

Như vậy, âm nhạc miền Bắc lan truyền vào miền Trung, rồi theo bước chân đi khẩn hoang của lưu dân Thuận – Quảng để đến vùng đất phương Nam rồi lan tỏa khắp miền Tây Nam bộ. Từ nhận định về nguồn gốc âm nhạc cổ truyền của GS – Nhạc sĩ Tô Vũ và dựa trên các điều kiện tự nhiên, xã hội, có thể hình dung quá trình hình thành, phát triển và chuyển biến từ nhạc tài tử Nam bộ đến sự ra đời của nghệ thuật sân khấu cải lương ở Tiền Giang.

NSND Phùng Há và các NS cải lương Nam bộ về dự Giỗ Tổ năm 2004 tại Hội Nghệ sĩ Ái Hữu  TP. Hồ Chí Minh (Ảnh tư liệu do Nguyễn Mạnh Thắng cung cấp).
NSND Phùng Há và các NS cải lương Nam bộ về dự Giỗ Tổ năm 2004 tại Hội Nghệ sĩ Ái Hữu TP. Hồ Chí Minh (Ảnh tư liệu do Nguyễn Mạnh Thắng cung cấp).

GS – Nhạc sĩ Tô Vũ đã viết: “Nhạc lễ và ca Huế khi vào Nam đã tạo nên một biến động mang ý nghĩa sáng tạo lớn. Với phong cách trình diễn điển hình là các lối ứng tấu, biến tấu của miền Nam từ nhạc lễ và ca Huế, đã nảy sinh ra phong cách Tài tử”. Như vậy, việc phổ biến nhạc lễ, ca Huế dẫn đến sự ra đời của đờn ca tài tử còn gắn liền với vai trò của tầng lớp trí thức Nho học và những nghệ sĩ cung đình.

Đến thế kỷ XVIII, đất Gia Định chia làm 5 trấn: Biên Hòa, Phiên An, Định Tường, Vĩnh Thanh và Hà Tiên. Mỹ Tho – thủ phủ của Định Tường, với những ưu thế bấy giờ (phát triển kinh tế nông – thương nghiệp, trung điểm giao lưu văn hóa 2 miền Đông – Tây Nam bộ) rất thuận lợi cho việc phổ biến âm nhạc miền Trung. Người có công truyền bá âm nhạc thính phòng có gốc từ nhạc cung đình Huế đầu tiên ở Tiền Giang là Tiến sĩ Phan Hiển Đạo. Là người hào hoa phong nhã, sẵn ngón đờn tranh tuyệt diệu, trong thời gian ra kinh đô ứng thí, ông đã tiếp thu âm nhạc của miền đất Thần kinh đem về quê hương truyền lại cho học trò.

Cùng thời và cũng có mối quan hệ gần gũi với Tiến sĩ Phan Hiển Đạo là ông Trần Quang Thọ. Khoảng giữa thế kỷ XIX, ông Trần Quang Thọ vốn là nhạc công của triều đình dưới thời vua Tự Đức, đã xin từ nhiệm rồi vào Nam sinh cơ lập nghiệp ở vùng Chợ Giữa – Vĩnh Kim. Ông sánh duyên cùng bà Phan Thị Thọ, là chị của Tiến sĩ Phan Hiển Đạo. Mối quan hệ này ít có tư liệu ghi chép, nhưng cũng cho thấy rằng, sự phổ biến nhạc Huế trong giai đoạn đầu trên đất Tiền Giang, Tiến sĩ Phan Hiển Đạo đã không đơn độc.

Là một nhạc công trong dàn nhạc cung đình, ông Trần Quang Thọ không chỉ truyền dạy học trò trong làng mà còn đào luyện các con lấy âm nhạc làm thú vui và dung dưỡng tánh tình. Trần Quang Diệm, một trong số các con của ông Trần Quang Thọ đã kế thừa tài năng của cha, rèn luyện được ngón đờn Tỳ bà tuyệt diệu. Ngón đờn hay đến nổi ông Diệp Văn Cương, một trong những trí thức bấy giờ đã nói rằng: “Sau khi nghe tiếng đờn Kìm của Tư Triều và tiếng đờn Tỳ của ông Năm Diệm thì tôi không còn muốn nghe bất kỳ tiếng đờn của ai khác”.

Đàn Tỳ bà là nhạc cụ dây của dàn Tiểu nhạc cung đình Huế, khó lưu truyền rộng rãi vì kỹ thuật đánh đàn khá phức tạp, đòi hỏi người chơi phải khổ luyện thì ngón mới hay. Lúc bấy giờ, nhạc tài tử dần định hình rõ nét và ưu thế của cây đàn Kìm đã bộc lộ ngày càng rõ hơn trong dàn nhạc tài tử. Có lẽ vì thế mà không nối tiếp truyền thống sở trường Tỳ bà của ông Trần Quang Thọ và ông Trần Quang Diệm, ông Trần Quang Triều (hay là Trần Văn Chiều hoặc Bảy Triều) đã chọn cây đàn Kìm và đàn Độc huyền để phát huy tài năng của mình.

Không chỉ bên nội, bên ngoại của Giáo sư – Tiến sĩ Trần Văn Khê cũng đã có những ông như: Nguyễn Tri Túc (ông Ngoại), Nguyễn Tri Lạc (cậu Tư), Nguyễn Tri Khương (cậu Năm), Nguyễn Tri Ân (cậu Mười) thông thạo bài bản và sử dụng được nhiều nhạc khí dân tộc. Đặc biệt, một số bản nhạc tài tử do ông Nguyễn Tri Khương sáng tác như: Phong xuy trịch liễu, Yến – Tước tranh ngôn… đã được đưa vào trong vở cải lương Giọt máu chung tình, trình diễn trên sân khấu của gánh Đồng Nữ Ban, do bà Trần Ngọc Viện (cô Ba của GS-TS Trần Văn Khê) phụ trách.

Ngoài ra, còn có một bậc cao nhân cùng tên mà ông Diệp Văn Cương đã nhắc đến cũng nổi tiếng không kém về ngón đờn kìm, đó là ông Nguyễn Tống Triều (hay còn gọi là Tư Triều). Ông quê ở làng Cái Thia (nay thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), được người đương thời và sau này biết đến nhiều vì gắn với mấy sự kiện sau đây:

– Năm 1906, ban nhạc tài tử của ông được mời sang Pháp trình diễn ở Hội đấu xảo Marceille, tổ chức cho các nước thuộc địa. Ban nhạc lúc bấy giờ gồm có: Tư Triều đờn Kìm, Chín Quán đờn Độc huyền, Mười Lý thổi Tiêu, Bảy Vô đờn Cò, Hai Nhiễu đờn Tranh (Hai Nhiễu là con gái ông Tư Triều) và cô Ba Đắc ca.

Những người nghiên cứu trước đã mô tả cô Hai Nhiễu không chỉ biết đờn Tranh mà cô còn biết ca. Bình thường, có nhiều từ cô nói ngọng, nhưng khi cô ca thì nghe rất rõ ràng và ngọt ngào, được công chúng nhiệt liệt tán thưởng. Riêng cô Ba Đắc – tài tử ca chủ lực của ban nhạc, có lối ca rất hay, đến nổi bài Tứ đại oán nhan đề Bùi Kiệm – Nguyệt Nga của cô ca chẳng mấy chốc lan ra các tỉnh Đông – Tây Nam bộ.

– Trong Hồi ký “50 năm mê hát” của cụ Vương Hồng Sển và quyển Sân khấu Việt Nam của Trần Văn Khải đều đề cập đến việc sau khi đi Pháp về (khoảng năm 1910), ông Nguyễn Tống Triều nhận lời mời của ông chủ khách sạn Minh Tân (gần nhà ga xe lửa Mỹ Tho) và thầy Năm Hộ, chủ rạp chiếu bóng Casino ở Mỹ Tho, đã đem ban nhạc đến những nơi đó để trình diễn hàng tuần. Ở khách sạn, ban nhạc diễn cho thực khách thưởng thức, còn ở rạp Casino thì diễn trước khi chiếu phim.

Sự kiện ban nhạc Tài tử của ông Nguyễn Tống Triều đã đánh dấu một giai đoạn chuyển biến quan trọng của nhạc tài tử Nam bộ. Từ phong cách trình diễn thính phòng trang trọng đã mở ra thêm những dạng thức trình diễn gần gủi với đời sống đại chúng.

Như vậy, đến thập niên đầu thế kỷ XX, nhờ vị thế thuận lợi, Mỹ Tho còn là nơi hội ngộ của các bậc tao nhân mặc khách. Họ là những quan chức làm việc cho Pháp, những Nho sĩ thất cơ lỡ vận, những người theo phong trào Cần Vương kháng Pháp vào Nam, những thương gia phất lên nhờ nắm bắt thời cuộc, những trí thức Tây học đang đắc thời, những phú hào lắm tiền của tìm chỗ ăn chơi…  Họ tìm thấy ở loại hình nghệ thuật mới này một sức hấp dẫn mà trước đó chưa từng có.

Có thể nói, đờn ca tài tử lúc bấy giờ lan ra khắp 2 miền, nhưng Mỹ Tho phát triển hơn chính vì những yếu tố đặc biệt như vậy. Đờn ca tài tử Tiền Giang như có thêm sức sống nhờ các bậc trí giả sáng tác lời ca cho các bản nhạc tài tử, rồi qua các giọng ca hay đã nhanh chóng lan truyền đến các thành phần xã hội, gợi cho những nhà cách tân nghệ thuật những ý tưởng mới mẻ. Trong lịch sử sân khấu Việt Nam của Trần Văn Khải có nhắc đến ông Tống Hữu Định, một người giàu có, nổi tiếng của đất Vĩnh Long, đã đến Mỹ Tho nhiều lần.

Chốn ăn chơi này cùng phong cảnh hữu tình, nên thơ và lối ca có lời đối đáp của cô Ba Đắc trong ban nhạc của ông Nguyễn Tống Triều đã khơi gợi cho ông ý tưởng mới mẻ. Nếu như cô Ba Đắc ca như có đối đáp lời của 3 nhân vật trong bài Tứ đại Bùi Kiệm – Nguyệt Nga (Bùi Ông, Bùi Kiệm, Nguyệt Nga), thì ông đã đưa bài ca này tiến lên một bước về phong cách trình diễn.

Đó là việc tách những tài tử ca ra khỏi vị trí ngồi chung dàn nhạc, đứng riêng trên bộ ván, ca và ra bộ theo lời của 3 nhân vật trong bài. Vậy là hình thức ca ra bộ đã được ra đời, chỉ trong một thời gian ngắn đã nhanh chóng thu hút sự tán thưởng của người thưởng thức.

Trở lại với vùng đất Mỹ Tho trước kia, nơi mà Tiến sĩ Phan Hiển Đạo đã truyền dạy nhạc Huế cho các môn sinh của mình; nơi mà cứ mỗi lần thương nhớ quê hương, Thái hậu Từ Dũ đã cho dời ông Trần Thiên Trứ và cháu gái là Trần Thị Hậu ra Huế đờn ca giúp vui (rất tiếc tư liệu này không nêu cụ thể hơn nữa); nơi mà 2 dòng họ Trần – Nguyễn của làng Vĩnh Kim Đông tỏa sáng trong nghệ thuật ca cầm; nơi mà cô Ba Đắc đã khởi xướng lối ca có lời đối đáp bằng những giọng khác nhau…

Tất cả đã cho thấy một truyền thống văn hóa được xác lập, một sự kế tục và tiếp nối đã tạo nên tính liên tục của nghệ thuật đờn ca tài tử ở vùng hạ lưu sông Tiền. Đó còn là một bằng chứng không thể phủ nhận rằng: Mỹ Tho là nơi xướng xuất ra nghệ thuật đờn ca tài tử và sân khấu cải lương Nam bộ.

Nguồn Báo Ấp Bắc