Chương trình Nghệ thuật “Tiền Giang – cái nôi của nghệ thuật cải lương”. Vinh danh 30 nghệ sĩ tài danh

       (THTG)  Đêm 18/1, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức chương trình nghệ thuật “Tiền Giang – cái nôi của nghệ thuật cải lương” và vinh danh 30 nghệ sĩ đóng góp nhiều cho nghệ thuật cải lương.

 Chương trình có sự phối hợp thực hiện của Đài PTTH Tiền Giang, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch TPHCM, Nhà hát Trần Hữu Trang, Bảo tàng Thành phố và Đài Truyền hình TP HCM.

Ông Trần Thế Ngọc, Bí thư tỉnh ủy và ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng vinh danh các nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho nghệ thuật cải lương.

Ông Trần Thế Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy và ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng vinh danh các nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho nghệ thuật cải lương.

 Đến dự có ông Lê Thanh Hải – Ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP HCM; ông Trần Thế Ngọc – Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Khang – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

 Đây là một trong những hoạt động chào mừng sự kiện nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ được UNESCO vinh danh là văn hóa phi vật thể của nhân loại, kỷ niệm 95 năm hình thành và phát triển nghệ thuật cải lương.

Trích đoạn cải lương Trích đoạn cải lương “Tô Ánh Nguyệt” tại đầu cầu Bến tàu Du lịch tỉnh.

 Chương trình nghệ thuật lần này ngoài biểu diễn nhiều trích đoạn cải lương nổi tiếng, gắn bó tên tuổi của các nghệ sĩ tài danh như vở Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt… Tỉnh Tiền Giang trân trọng vinh danh 30 nghệ sĩ tài danh quê ở Tiền Giang hoặc có nhiều đóng góp cho nghệ thuật cải lương của tỉnh như: NSND Phùng Há, NSND Bảy Nam, soạn giả – liệt sĩ Trần Hữu Trang, NSND Nguyễn Thành Châu, GS-TS viện sĩ Trần Văn Khê, NSND Trần Ngọc Giàu, NSND Kim Cương… và nhiều nghệ sĩ khác. Đây là dịp để Đảng, Nhà nước, Chính quyền địa phương thể hiện sự trân trọng đối với sự cống hiến của nghệ sĩ cải lương và cũng là dịp để động viên thế hệ trẻ phấn đấu đưa loại hình nghệ thuật cải lương phát triển.

 Nói về sự ra đời của nghệ thuật cải lương, Năm 1917, ông Châu Văn Tú ở xã Vĩnh Kim, Mỹ Tho đã thành lập gánh hát đầu tiên tại Việt Nam mang tên “Gánh hát Thầy Năm Tú – Mỹ Tho”. Sau đó năm 1918 xây dựng rạp Thầy Năm Tú. Ngày 15/3/1918, rạp Thầy Năm Tú ra mắt vở cải lương đầu tiên là Kim Vân Kiều. Nghệ thuật sân khấu cải lương đã hình thành và phát triển từ đó với sự đóng góp của rất nhiều soạn giả, nghệ sĩ tài danh.

Thanh Đào