NSND Bảy Nam & Kim Cương: Niềm tự hào của người dân sông nước
NSND Bảy Nam (Lê Thị Nam, sinh năm 1913 tại Mỹ Tho, mất năm 2004) đạt nhiều kỷ lục Việt Nam: Nữ bầu gánh hát đầu tiên (lúc bà 19 tuổi) và nữ tác giả đầu tiên viết nhiều kịch bản sân khấu hay… Gia đình bà có 12 anh em thì có 7 người theo sân khấu cải lương và 2 người được phong là NSND. Chị ruột bà là NSND Năm Phỉ. Bà còn đóng phim với những tài tử nổi danh của Pháp và nhiều phim Việt.
NSND Kim Cương (sinh năm 1937), con gái thứ 3 của NSND Bảy Nam, là bầu gánh Đại Phước Cương. Kim Cương được mệnh danh là “kỳ nữ” do tài năng diễn xuất sân khấu, đoạt rất nhiều giải thưởng sân khấu và điện ảnh; tác giả của 70 kịch bản, đạt kỷ lục người viết kịch nói nhiều nhất Việt Nam. Tháng 5-2012, kỳ nữ Kim Cương được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu NSND.
NSND Bảy Nam và NSND Kim Cương trong vở “Lá sầu riêng”. |
Hồi mới 8 tuổi, tôi đã được nghe nhiều vở tuồng, vở kịch: Điêu Thuyền – Lữ Bố, Tiêu Anh Phụng loạn trào, Bông hồng cài áo, Lá sầu riêng…từ cái radio “ấp chiến lược” của má tôi. Những cái tên Bảy Nam, Phùng Há, Năm Châu, Kim Cúc, Kim Cương, La Thoại Tân, Thanh Nga… rất gần gũi với tuổi thơ tôi và bây giờ trở thành nổi danh trong nền sân khấu cải lương của Việt Nam. Tôi cũng không thể ngờ rằng, những vị tiền bối của sân khấu ấy đa phần xuất thân từ vùng đất Mỹ Tho (Tiền Giang).
Trong những tên tuổi ấy, bật lên trong lòng tôi 2 mẹ con NSND Bảy Nam và NSND Kim Cương giống như đôi “song kiếm hợp bích”. Hiếm có gia đình nào cả 2 thế hệ đều tài năng xuất chúng như vậy: Bà Bảy Nam là một tài năng sân khấu, “ám ảnh” khán giả với những vai người mẹ nhân hậu, thủy chung; thì Kim Cương cũng tạo cho người xem cải lương, kịch nói nỗi xót xa, ấn tượng với hình ảnh phụ nữ Việt Nam tảo tần, lam lũ, sắc son và sáng trong như ngọc.
Nếu mẹ Bảy Nam là một nữ diễn viên điện ảnh tài năng, thì “kỳ nữ” của bà cũng là một minh tinh màng bạc sáng giá. Mẹ gian truân làm bầu gánh hát lúc mới 19 tuổi, thì Kim Cương cũng từng vất vả với vai trò Trưởng đoàn kịch nghệ. NSND Bảy Nam với kỷ lục “Người phụ nữ đầu tiên viết kịch bản sân khấu Việt Nam”, thì NSND Kim Cương cũng ghi thành tích “Tác giả nữ sáng tác nhiều kịch nói nhất Việt Nam”…
Mẹ con bà còn là đôi bạn diễn ăn ý nhất suốt hơn 40 năm trên sân khấu. NSND Kim Cương luôn tự hào về mẹ mình và cô thường bộc bạch với khán giả rằng: “Má tôi nói, đối với gia đình chúng tôi, biểu diễn sân khấu không phải là nghề mà là đạo!…”.
Tiếc rằng, hồi ấy phương tiện nghe nhìn rất hiếm. Hàng tuần, đến tối thứ bảy, truyền hình mới có chương trình sân khấu kịch hoặc cải lương, muốn xem cũng không phải dễ, vì cả xóm chỉ nhà ông Ba mới có truyền hình trắng đen. Có hôm ông đóng cửa không cho vào xem, bởi đám con nít mất trật tự mà còn đái khay ngấy ngoài hè. Tôi nhớ, có lần được mấy anh chị dẫn đi đến nhà ông Ba xem kịch Kim Cương Lá sầu riêng.
Đã hơn 30 năm mà hình ảnh má, con của cô Diệu vẫn “ám ảnh” trong tôi. Lúc ấy còn nhỏ quá, tôi không hiểu gì về nghệ thuật diễn xuất của họ, tôi chỉ biết khóc vì họ diễn y như thật và len lén lau nước mắt vì sợ mọi người trông thấy, nhưng chung quanh tôi cũng rất nhiều người khịt mũi, lau mắt.
Mãi đến khi trở thành một diễn viên không chuyên, được xem lại trích đoạn Lá sầu riêng trên ti vi (lúc này bà Bảy đã quá già và “kỳ nữ” Kim Cương cũng đã có tuổi), tôi có dịp chiêm nghiệm kỹ lại, không thể ngờ 2 mẹ con bà xuất thân từ diễn viên cải lương, nhưng đã “gây sóng gió” trên sân khấu kịch nói.
NSND Bảy Nam xuất hiện với hình ảnh người mẹ nghèo áo vá, dáng quắt queo, đôi tay lẩy bẩy với hộp dầu cù là, ánh mắt đau xót nhìn từng vết bầm trên da thịt của con gái và giọng nói run run biểu đạt cảm xúc cao độ bởi nhớ con lên thăm con mà bị con đuổi về.
Bà nói với Diệu (Kim Cương đóng): “Con biết thương con của con, nhưng tại sao má không có quyền thương con của má!…”. Bà diễn bằng cả cái lưng hơi khòm, gầy gò của mình… làm rưng rứt lòng người xem. Một lần nữa tôi đã khóc. Tôi khóc vì cảm động qua vai diễn của bà và tôi khóc vì tiếc một thế hệ tài năng xuất chúng đã về chiều…
Chị tôi nói : “Dân Sài Gòn vào những thập niên 60 và 70 ai mà không biết đến kịch Kim Cương, lúc nào có kịch bản mới, khán giả chật rạp. 2 mẹ con Kim cương xuất hiện là khán giả vỗ tay…”. Ngưỡng mộ họ trên sân khấu vô cùng, nhưng mãi đến khi nghiên cứu về 2 mẹ con người NSND này, tôi vô cùng ngạc nhiên về sự đa tài của họ và tự hào rằng “Đất Tiền Giang có nhiều nhân tài quá!”.
NSND Bảy Nam đã vĩnh viễn ra đi sau hơn 70 năm cống hiến tài năng cho sự nghiệp sân khấu. Còn NSND Kim Cương hiện làm Phó chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ em khiếm thị và trẻ em mồ côi TP. Hồ Chí Minh, bởi đối với NSND Kim Cương, làm từ thiện và làm diễn viên giống nhau một điểm: Là người của công chúng, thuộc về công chúng!.
Nguồn Báo Ấp Bắc
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.