Chợ Tết miền Trung: Hàng Việt chiếm ưu thế
Những ngày cận Tết tại miền Trung, thị trường Tết bắt đầu sôi động. Các mặt hàng được khách hàng lựa chọn nhiều vẫn là hàng nội.
Hàng Việt chiếm ưu thế tại chợ Tết miền Trung. Ảnh VGP/Lưu Hương |
Hàng Việt chiếm ưu thế
Ghi nhận tại các chợ trung tâm, Chợ Cồn, Chợ Hàn (Đà Nẵng), Chợ Đông Ba (Huế), lượng hàng phục vụ Tết như bánh kẹo, mứt, trái cây, tôm, mực khô.. khá đa dạng và phong phú về chủng loại.
Ông Nguyễn Đình Sáu, Trưởng Ban quản lý Chợ Cồn, cho biết cả chợ có khoảng 50 hộ kinh doanh các mặt hàng bánh, kẹo, hạt dưa. Tuy nhiên, do kinh tế khó khăn, sức mua giảm nên các tiểu thương chỉ dự trữ hàng phục vụ Tết bằng 2/3 so với năm ngoái, trong đó chủ yếu là hàng Việt.
Ông Nguyễn Văn Cầm, Phó trưởng Ban quản lý chợ Đông Ba, cho biết: Thời điểm này, qua kiểm tra, đánh giá thì năm nay các tiểu thương đa số kinh doanh các mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, trong đó chiếm hơn 80% là hàng Việt Nam
Chị Nguyễn Thị Hồng, tiểu thương kinh doanh mặt hàng bánh, kẹo Chợ Cồn, cho biết: Thị trường Tết năm nay giá cả ổn định, không tăng nhiều, tuy vậy sức mua chưa mạnh như mọi năm. Hàng hóa được khách hàng quan tâm nhất là các sản phẩm hàng Việt, đặt biệt là các loại mứt hoa quả sấy khô đến từ Đà Lạt.
Chị Thanh Tâm, người mua hàng, trú tại đường Lê Lai, TP. Đà Nẵng cho biết chị tin tưởng lựa chọn các sản phẩm được sản xuất trong nước vì chất lượng tốt, biết được xuất xứ, địa điểm, giá cả phải chăng.
Cũng theo các tiểu thương ở địa bàn Quảng Nam, Quảng Ngãi, xu hướng của năm nay là người tiêu dùng lựa chọn các thương hiệu Việt như bánh Kinh Đô, Bibica, Hải Hà, các đặc sản địa phương như hải sản khô, hạt điều, nước yến, các mặt hàng nem chả… trong dịp Tết.
Đẩy mạnh bình ổn giá
Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết năm nay có 11 doanh nghiệp đăng ký tham gia dự trữ hàng hóa và bán hàng phục vụ Tết với tổng số tiền gần 150 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thương nhân kinh doanh tại 8 chợ lớn của tThành phố (hơn 5.400 hộ kinh doanh) cũng chuẩn bị lượng hàng hóa phục vụ Tết ước tính khoảng 150 tỷ đồng.
Cụ thể, Đà Nẵng đã hỗ trợ cho công ty TNHH Đắc Vinh tạm ứng vốn 4 tỷ đồng để dự trữ 35 tấn thịt heo phục vụ nhân dân trong dịp Tết tại 13 điểm cố định trên địa bàn Thành phố và 2 xe lưu động phục vụ các khu dân cư đông với gia bán bình ổn thấp hơn giá thị trường tại thời điểm bán từ 10–15%.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào các xã miền núi mua sắm hàng hóa trong dịp Tết, Siêu thị Co.op Mart Đà Nẵng tổ chức đưa hàng về bán tại trung tâm 2 xã miền núi (Hòa Bắc và Hòa Phú), giá bán lẻ hàng hóa phục vụ đồng bào bằng giá bán lẻ của doanh nghiệp bán tại Đà Nẵng hoặc thấp hơn 5%.
Nhằm giúp công nhân các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố có điều kiện tiếp cận mua sắm hàng hóa tiêu dùng trong dịp Tết, Thành phố hỗ trợ siêu thị Co.op Mart 40 triệu đồng để tổ chức 2 đợt đưa hàng về phục vụ công nhân Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang (quận Sơn Trà) và Khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu).
Sở Công Thương Quảng Nam cho biết, tỉnh đã phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức 47 điểm bán hàng bình ổn giá (bao gồm 29 điểm bán tại miền núi và 18 điểm bán tại các vùng còn lại). Số lượng dự trữ: Gạo nếp hơn 4.300 tấn, đường kính 310 tấn, dầu ăn, nước mắm 97.000 lít, mì chính 173 tấn, bánh kẹo, mứt, hạt dưa các loại 532 tấn, thịt gia súc, gia cầm 22 tấn, rau, củ, quả 135 tấn…
Tỉnh Quảng Ngãi cũng đã trích 27,5 tỷ đồng từ ngân sách để cho các siêu thị, công ty mượn trữ hàng, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết tại vùng sâu, vùng xa và vùng hải đảo.
Nguồn Chính phủ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.