Tiền Giang: Năm 2013, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng

Năm 2013, sản lượng lúa của địa phương này đạt gần 1,35 triệu tấn, vượt trên 102% kế hoạch. Cây ăn quả thu được trên 1,15 triệu tấn. Tổng số lượng đàn lợn, bò và gia cầm đều tăng hơn năm trước với tỷ lệ tăng từ 1,5 đến trên 9,5%, sản lượng thủy sản cũng đạt trên 228 nghìn tấn, tăng trên 2,2% so với năm 2012.

 Thu hoạch dứa ở Châu Thành – Tiền Giang (Ảnh: K.V)

Sản lượng lương thực của tỉnh luôn đạt và vượt mục tiêu 1 triệu tấn/năm, không những đáp ứng yêu cầu tại địa phương mà còn góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và cung ứng nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu. Diện tích gieo trồng lúa chất lượng cao và đặc sản chiếm tỷ lệ cao, đến trên 72% diện tích gieo trồng, trong đó lúa đặc sản chiếm trên 1/3 diện tích.

Với những kết quả nói trên đã đưa Tiền Giang trở thành tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích và sản lượng cây ăn quả. Các thương hiệu trái cây đặc sản của Tiền Giang như xoài cát Hòa Lộc, sơ ri Gò Công, bưởi lông Cổ Cò, dứa Tân Lập, thanh long Chợ Gạo, sầu riêng Ngũ Hiệp, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đã được đăng ký bảo hộ độc quyền và từng bước có vị trí nhất định trên thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đã được trao Chứng nhận Global GAP (sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế).

Một số vùng rau tập trung với diện tích gieo trồng hàng chục nghìn ha ở huyện Châu Thành và Chợ Gạo đã đáp ứng nhu cầu cho trong và ngoài tỉnh với các loại rau truyền thống như rau gia vị, hành lá, hẹ, rau cần. Việc luân canh rau màu trên nền đất lúa, luân canh rau màu với hoa cây cảnh đã đem lại hiệu quả cao cho người sản xuất.

Được biết, Tiền Giang là tỉnh có ngành chăn nuôi phát triển khá mạnh ở Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó đáng kể nhất là chăn nuôi lợn và gia cầm. Địa phương này có nhiều xí nghiệp và trại chăn nuôi sản xuất lợn giống bình quân khoảng 20 nghìn con/năm. Ngoài ra, Tiền Giang còn tận dụng vườn cây ăn quả để phát triển đàn ong, với khoảng 10 nghìn đàn, từ việc nuôi ong đã đem lại lợi ích tổng hợp cho người dân địa phương.

Ngành thủy sản của Tiền Giang cũng đã đầu tư hạ tầng phát triển các vùng nuôi thủy sản tập trung như dự án nuôi tôm công nghiệp Phú Tân, dự án Nam Gò Công, dự án Bắc Gò Công, dự án Lý Quàn, dự án Phú Thạnh, dự án cơ sở hạ tầng Phú Tân và dự án Tân Hội. Trong lĩnh vực chế biến thủy sản, ngoài ra diện tích mặt nước biển có thể nuôi nghêu là 4.000 ha, đến nay đã phát triển được trên 2 nghìn ha. Diện tích nuôi cá tra khoảng trên 1 trăm ha tập trung ở 2 huyện Cái Bè và Cai Lậy, nuôi cá bè hiện phát triển khá mạnh ở khu vực cù lao Tân Long và cù lao Thới Sơn.

Từ nay đến năm 2020, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng tăng thu nhập trên đơn vị sản xuất, ổn định sản lượng lúa 1 triệu tấn/năm, tập trung 3 chương trình kinh tế: kinh tế lúa gạo, kinh tế vườn, phát triển chăn nuôi. Trong đó, phát triển kinh tế vườn là chủ lực và đưa ngành chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính cân đối với trồng trọt. Trước mắt chọn kinh tế vườn với 3 khâu là cơ giới hoá, giống và khoa học kỹ thuật làm mục tiêu đột phá. Tập trung phát triển lúa chất lượng cao, heo, bò thịt và 7 loại cây ăn trái có lợi thế. Quy hoạch, mở rộng các vùng nước nuôi cá bè ở các huyện phía Tây và các vùng nuôi cá tra phục vụ xuất khẩu, dự kiến đến năm 2015 là 700 ha, năm 2020 là 800 ha nằm trên địa bàn các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Tây và Tân Phú Đông./…

Nguồn ĐCSVN