Bùi Công Duy – tài năng và sự khiêm nhường
Sinh năm 1981, Bùi Công Duy là điển hình cho một thế hệ trẻ Việt Nam, đã ra đi, đã thành công rực rỡ và trở về cống hiến tận tâm cho đất nước.
Tài năng 16 tuổi và lòng yêu nước
Những năm đầu thập niên 90, khi đó internet và truyền hình vẫn còn vô cùng hạn chế, thì những đứa trẻ ở những thị trấn, miền quê xa xôi đã nghe và biết đến những cái tên như Đặng Thái Sơn, Bùi Công Duy….. Đặng Thái Sơn đã trở thành một tượng đài, một biểu tượng của âm nhạc cổ điển Việt Nam trên trường quốc tế với cây đàn piano, còn Bùi Công Duy - sau khi gặt hái những thành công vang dội ở tuổi 16 với cây vĩ cầm, tiếp tục miệt mài học tập, trau dồi kĩ kiến thức, tay đàn… để rồi trở về quê hương Việt Nam thân yêu - một đất nước còn rất nhiều nghèo đói, đất nước chưa thể cho anh cơ hội phát triển tài năng - đất nước mà nền âm nhạc mới vỏn vẹn có 60 năm lịch sử.
Bùi Công Duy thuở ấy đã là thần tượng của hàng ngàn đứa trẻ Việt Nam thế hệ sau giải phóng. Đất nước còn nghèo, còn thiếu thốn trăm bề, nhưng tên tuổi của cậu bé Duy khi ấy đã đi về khắp miền đất nước, đã bước qua nhiều biên giới các quốc gia phương Tây có nền âm nhạc cổ điển lớn và dày dặn hơn chúng ta rất nhiều như Nhật, Pháp, Mỹ, Italia, Đức, Ba Lan…
Lúc đó Duy đã không ở Việt Nam nhiều năm. Từ khi Duy 10 tuổi, cha mẹ anh đã quyết định đưa Duy sang Nga - khi đó là nước bạn thân thiết của Việt Nam, chiếc nôi của nghệ thuật, tư duy và nhiều tài năng cổ điển lớn trên thế giới như Glinka, Tchaikovsky, Mussorgsky, Rimsky-Korsakov, Prokofiev, Stravinsky….Tại đây Duy đã được gặp gỡ và nhận sự giảng dạy của những người thầy đáng kính.
Năm 1992 Duy bắt đầu được học tập trong môi trường đầy ắp âm nhạc và nghệ thuật. Xung quanh mình chỉ toàn bạn bè giỏi giang, cậu học trò nhỏ chỉ còn biết hai chữ cố gắng. Cô giáo dạy nhạc đầu tiên của Duy tên là Kuzina – bà là người đã trang bị cho Duy một kiến thức nền tảng tốt và bài bản cùng với tình yêu thương dành cho cậu học trò Việt Nam bé nhỏ sống xa quê hương. Trong các buổi biểu diễn của mình, bà luôn cho Duy biểu diễn cùng để làm quen với sân khấu và khán giả.
Lớn lên môt chút, Duy được dìu dắt bởi giáo sư âm nhạc nổi tiếng Gvozdev. Ông là một nhà giáo mẫu mực, rất yêu đất nước Việt Nam và cảm phục tinh thần học tập say sưa của Bùi Công Duy. Năm 1997, Bùi Công Duy bắt đầu theo học NSND Bochkova – bà là một nghệ sĩ tài danh nức tiếng ở Nga và trên thế giới. Năm 1998, Bùi Công Duy tốt nghiệp hệ trung cấp và trở thành sinh viên Nhạc viện Tchaikovsky nổi tiếng ở Moskva. Anh tiếp tục theo học NSND Bochkova – người sau này hướng dẫn Duy làm luận án tiến sĩ năm 2005. Trong tâm trí Duy, những kí ức về nước Nga thật sâu đậm với những người thầy tận tâm, quá trình khổ luyện, tình yêu và những kỉ niệm đẹp đẽ từ thời thơ ấu.
Bắt đầu từ khi học tập trong môi trường âm nhạc chuyên nghiệp, thời niên thiếu của Bùi Công Duy đã gặt hái rất nhiều thành công với nhiều giải thưởng quốc tế: Giải Nhất cuộc thi âm nhạc quốc tế Demidov (1993), giải Nhất cuộc thi âm nhạc quốc tế Z. Bron (1995), đặc biệt là giải nhất cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc mang tên nhà soạn nhạc vĩ đại của nước Nga Tchaikovsky (1997).
Năm 2006, Bùi Công Duy được mời làm việc cho dàn nhạc thính phòng lừng danh Virtuose Moscow dưới sự chỉ đạo của V. Spivakov, trở thành thành viên người nước ngoài đầu tiên trong lịch sử 24 năm của dàn nhạc dây danh tiếng thế giới này. Sau khi trực tiếp nghe Bùi Công Duy chơi đàn, nghệ sĩ Vladimir Sprvakov - người từng giành 4 giải thưởng lớn dành cho nghệ sĩ violon thế giới và là người sáng lập Dàn nhạc Vituous Moskva vào năm 1982 - đã quyết định nhận anh vào dàn nhạc.
Bùi Công Duy từng cho biết chơi trong Dàn nhạc Virtuous Moskva đòi hỏi các nhạc sĩ phải có trình độ cao. Dàn nhạc chỉ gồm hơn 20 thành viên, trong đó có nhiều nhạc sĩ tên tuổi như Vladimir Sprvakov, Boris Garlitzky và Arkady Futer, và tất cả những nhạc công này đều đã đạt các giải thưởng quốc tế. Dàn nhạc này luôn có chương trình biểu diễn dày đặc tại các nước trên thế giới.
Việt Nam và sự lựa chọn khiêm nhường
14 năm lao động và học tập tại nước Nga lạnh giá, Bùi Công Duy đã miệt mài học tập để trở thành một nghệ sỹ Violon danh tiếng và thành công trên đất nước có nền âm nhạc cổ điển tinh túy và giàu bản sắc này. Có lẽ anh cũng sẽ tiếp tục đi trên con đường trở thành một nghệ sĩ cống hiến trọn cuộc đời mình cho nghệ thuật, nếu như anh không tìm thấy tình yêu của đời mình: nghệ sĩ Piano Trinh Hương, con gái rượu của nhạc sĩ Phú Quang.
Sau một năm làm việc cùng dàn nhạc Virtuous Moskva, năm 2007, Bùi Công Duy quyết định trở về Tổ quốc.
Bùi Công Duy trên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội
Ngưỡng mộ NSND Đặng Thái Sơn nhưng Duy muốn đi con đường của mình. Đó là có một cuộc sống bình thường mọi người - có gia đình, có bạn bè, người thân. Sự trở về của Bùi Công Duy là niềm vui và háo hức của thế hệ học sinh/sinh viên tại Học viện Âm nhạc quốc gia, là niềm tự hào và kì vọng của các thầy cô, giảng viên và giáo sư trong trường.
Đã 4 năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam, những buổi biểu diễn lớn nhất, trang trọng nhất cần có cây đàn violin, hay những buổi biểu diễn có sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới đều có Bùi Công Duy tham dự. Tiếng đàn của anh giờ đã chín, đã dày dặn và tinh tế với sự chú trọng đặc biệt anh dành cho tinh thần của tác phẩm. Tiếng đàn của Bùi Công Duy không còn là sự thể hiện của kĩ thuật cá nhân đơn thuần, mà còn là cái hồn của bản nhạc và sức sống riêng của nó. Song song với việc tiếp tục là violinist hàng đầu trong nước, sự nghiệp giảng dạy của Bùi Công Duy còn đạt được những thành tựu đáng kể.
Bùi Công Duy đặc biệt tài năng và nhạy cảm trong việc tìm kiếm các lứa violin trẻ. Học trò của anh đã giành được nhiều thành tích cao.Tháng 7/2011, thầy giáo Bùi Công Duy có niềm hạnh phúc lớn khi hai học trò giành thành tích cao tại hai cuộc thi quốc tế. Vượt qua hơn 20 thí sinh đến từ các nước như Trung Quốc, Thái Lan…, Nguyễn Linh Nguyên (16 tuổi), đã giành giải nhì bảng B (14-18 tuổi) tại cuộc thi Mozart International String Competition 2011. Tại cuộc thi Asean International Concerto Competition for piano & violin, có sự tham gia của hơn 90 thí sinh đến các nước như Trung Quốc, Canada, Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ,…, Trịnh Đan Nhi (10 tuổi) đã giành giải nhì bảng A (9-13 tuổi).
Sự lạc quan và niềm tin tưởng của Bùi Công Duy dành cho cái chung, cho Tổ quốc chưa bao giờ suy giảm. Anh từng chia sẻ: “Tôi sống ở nước ngoài đã quá lâu, từ khi còn là một đứa trẻ lên 10. Sau từng ấy năm học tập và biểu diễn ở nước Nga và nhiều nơi trên thế giới, tôi nhận thấy, người nghệ sĩ, dù sống sung sướng ở đâu cũng không bằng sống trên quê hương mình, trong tình yêu thương của khán giả dân tộc mình. Tôi bắt đầu công việc ở Việt Nam với sự lạc quan hơn bao giờ hết”
Bùi Công Duy là gương mặt quen thuộc của hòa nhạc VietNamNet “Điều còn mãi”. Buổi hòa nhạc lúc 14h00 ngày 2/9/2011 tới đây, khán giả sẽ gặp lại một Bùi Công Duy mới mẻ và say đắm với giao hưởng thơ Lệ Chi Viên của Trần Mạnh Hùng. Anh luôn là thế, tin tưởng ở âm nhạc cổ điển của Việt Nam, tin vào nét riêng của dân tộc phải được tôn vinh trong những chương trình mang tầm vóc và sứ mạng lớn. “Tôi đã từng chơi tác phẩm “Bài Ca chim ưng” của nhạc sĩ Đàm Linh trong chương trình hòa nhạc “Điều còn mãi” 2010. Đây là một trong những tác phẩm khí nhạc xuất sắc nhất của Việt Nam viết cho violin và dàn nhạc. Đàm Linh cũng là một trong những nhạc sĩ hàng đầu. Với những tác phẩm như vậy, hay là Giao hưởng thơ “Hào khí Thăng Long” của Trần Mạnh Hùng chẳng hạn, chúng ta hoàn toàn có thể biểu diễn những chương trình hòa nhạc tại nước ngoài với 100% tác phẩm cổ điển của Việt Nam và một dàn nhạc 100% người Việt”.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.