Xuân về trên đất cù lao
(THTG) Một mùa xuân nữa lại đến trên vùng đất cù lao Tân Phú Đông. Năm nay, bà con nơi đây như đón một cái Tết sung túc và trọn vẹn hơn, bởi vùng đất này đã có sự chuyển mình mạnh mẽ, đạt được nhiều thắng lợi trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.
Sự chuyển mình rõ rệt nhất trên vùng đất Cù lao này là một bến Phà Tân Long nối liền huyện Gò Công Tây và huyện Tân Phú Đông được đầu tư với tổng kinh phí trên 50 tỷ, từ đây hàng hóa được lưu thông qua lại thuận lợi, gắn kết với đất liền, tạo bước phát triển mới.
Chợ Phú Đông được xây dựng khan trang, bày bán đầy đủ các sản phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm tết của người dân nơi vùng đất cù lao.
Hệ thống giao thông nông thôn của huyện được thông suốt bởi đường tỉnh 877B dài 35,3 km chạy dài từ đầu đến cuối huyện đã được xây dựng kiên cố với tổng kinh phí trên 150 tỷ đồng; hơn 20 km đường huyện đã trải nhựa; trên 80 km đường giao thông nông thôn được bê tông hóa tạo nên một nhịp sống mới cho vùng đất đầy sóng, đầy gió này.
Công tác giáo dục đào tạo được quan tâm, đầu tư đúng mức; bằng các nguồn vốn đầu tư. Đến nay, huyện đã xây dựng được các trường học, nhà công vụ cho đội ngũ giáo viên với tổng kinh phí hơn 52 tỷ đồng. Toàn huyện có 17 trường học các cấp. Số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên ở các bậc học đảm bảo theo quy định, huyện luôn duy trì được chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở 6/6 xã, đặc biệt niềm vui mới cho các em nhỏ xã Phú Thạnh nói riêng, huyện Tân Phú Đông nói chung khi hệ thống trường mầm non phú Thạnh đang được đầu tư xây dựng giai đoạn 2 với kinh phí dự tính trên 9 tỉ đồng phục vụ nhu cầu học tập và vui chơi của các em học sinh vùng sâu vùng xa.
Vấn đề sức khỏe của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao khi cơ sở hạ tầng được thay đổi, nhất là một bệnh viện Đa khoa Tân Phú Đông với quy mô 40 phòng và tiếp tục khởi công xây dựng giai đoạn 2 với kinh phí gần 80 tỷ đồng, đảm bảo công tác chăm sóc và khám bệnh cho người dân nơi đây.
Với sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương từ cái Tết đầu tiên khi mới thành lập huyện đến cái tết Giáp Ngọ này đã có hơn 800 căn nhà trong chương trình 167 với nguồn kinh phí trên 20 tỉ đồng. Cùng với đó, chương trình “Mái ấm biên cương” cũng phần nào làm vơi đi nỗi vất vả, khó khăn cho bao gia đình, góp phần cùng bà con vùng cù lao Tân Phú Đông có được cái Tết sung túc hơn bên cạnh những ngôi nhà mới.
Ngôi nhà 167 của gia đình anh Hữu Thành Long, ấp Phú Hữu, xã Phú Tân.
“Mái ấm biên cương” của gia đình anh Huỳnh Văn Truyện, xã Phú Thạnh.
Đến với Tân Phú Đông vào mùa xuân này dễ dàng nhận thấy sự thay đổi từng ngày của những mảnh đất vốn khô cằn, phèn mặn, nơi có một Lũy Pháo Đài sừng sững giữa phong ba, được phủ lên một màu xanh bạc ngàn của những đám mạ non, những cánh đồng bát ngát, những vườn cây ăn trái… như mang thương hiệu đặc trưng của vùng đất khó.
Vườn mãn cầu của gia đình anh Hồ Văn Thân, xã Tân Phú.
Với chỉ vài hecta mãng cầu xiêm từ khi mới thành lập, đến nay toàn huyện đã có trên 500 hecta, trung bình mỗi hecta mãn cầu xiêm thu hoạch khoảng 16-18 tấn trái/năm, với giá dao động từ 15.000 đến 35.000 đồng/kg trở thành cây chủ lục của địa phương nói riêng và tỉnh Tiền Giang nói chung.
Bên cạnh cây mãng cầu xiêm thì cây sả cũng góp phần làm nên sắc xuân trên vùng đất cù lao này. Toàn huyện hiện có trên 450 hecta sả tập trung chủ yếu tại các xã Phú Thạnh, Phú Đông…
Những kết quả mà Tân Phú Đông có được như ngày hôm nay, đó là kết quả của sự đoàn kết một lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tân Phú Đông và bằng sự lao động, sáng tạo không mệt mỏi của người dân ở mảnh đất cù lao cùng chung sức xây dựng cho mảnh đất này ngày càng đẹp thêm làm nên một diện mạo mới, một mùa xuân mới cho quê hương tươi trẻ.
Quốc Thái
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.