Tái hiện lễ dựng cây nêu chốn Hoàng cung

Tục dựng cây nêu ngày Tết là một nghi thức có từ lâu đời của người dân Việt Nam.

Ngày xưa, trước ngày Tết Nguyên đán, triều đình cho làm lễ dựng cây nêu để báo hiệu ngày Tết đã tới, cầu bình an, cầu mưa thuận gió hòa, cho dân chúng làm ăn thuận lợi.

Theo sử liệu, dưới triều Nguyễn, đến ngày 25 tháng Chạp là ngày trừ nhật, không tiếp nhận văn thư. Ngày này làm lễ khóa ấn, nghĩa là cất ấn triện, không đóng dấu nữa, rồi dựng cây nêu (Thướng tiêu). Đó là nghi thức dùng 1 cây tre trên đó lấy tranh kết 4 dọc 5 ngang (cái lung tung), rồi treo 1 cái sọt bên trong đựng giấy tiền, cau trầu, bùa đào… để cúng Thần. Trên bùa đào ngoài việc ghi tên Thần, còn treo câu đối Tết mà thường là câu “Tân niên nạp dư khánh /Gia tiết hiệu trường xuân” (Năm mới nhiều điềm tốt / tiết đẹp gọi xuân lành).

Đến thời Tự Đức, triều đình quy định đến ngày 30 tháng Chạp mới dựng nêu, tức thời gian nghỉ Tết ngắn lại. Khi thấy cây nêu lấp ló trên bức tường thành của chốn Hoàng cung, các nhà dân mới bắt đầu tiến hành dựng nêu.

 Tuy nhiên, trong một thời gian khá dài tục trồng cây nêu ngày Tết ở Thừa Thiên-Huế đã dần mai một.

Tết Nguyên đán 2014, lễ dựng nêu chốn Hoàng cung Huế được tái hiện khá bài bản tại hai địa điểm là Thế Miếu và điện Long An – nơi gắn liền với không gian sinh sống và thờ tự của vua Thiệu Trị trước đây.

Từ cửa Hiển Nhơn, nghi thức rước nêu được tổ chức trang trọng, bao gồm 6 lính cầm cờ cảnh, lồng đèn; 4 lính cầm cờ tứ phương; tiếp đến là 1 quan cầm lỗ bộ ghi chữ Thướng Tiêu; 1 lính bưng tráp cau, trầu, rượu, phướn; kế đến đội nhạc công tiểu nhạc; giữa đội rước là 10 lính đội nón, mặc áo màu vàng, vác cây nêu; theo sau là 8 lính cầm lỗ bộ và cuối cùng là thành phần tham dự trong trang phục truyền thống tiến đến cửa chính của khu vực Thế Miếu và tiến hành nghi thức dựng nêu.

Tại đây, hương án, lễ phẩm cùng đội đại nhạc và các bồi tự đã chờ sẵn. Nghi thức thướng nêu được cử hành nghiêm trang.

Ngay sau đó tiếp tục rước một cây nêu khác về dựng tại điện Long An theo đúng nghi thức.

 TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết: Lễ dựng nêu Tết Nguyên đán 2014 được tổ chức đầy đủ, bài bản hơn theo nghi thức truyền thống cung đình và chỉ có ở Huế mới có được đặc điểm này.

Việc phục dựng lại lễ dựng nêu chốn Hoàng cung xưa nhằm chuyển tải các thông điệp văn hóa, những vẻ đẹp của nghi thức trong đó có nhạc, lễ, trang phục, khói hương… tạo ra không gian trầm lắng, có tính suy tưởng cao để người ta có thể gợi lên, suy ngẩm được nét văn hóa đậm tính nhân văn và sâu sắc của người Việt Nam.

Hy vọng qua những dịp như thế này, tục dựng nêu của người Huế không chỉ khôi phục lại trong Hoàng cung mà còn trong dân gian.

Rước cây nêu đi quan điện Thái Hòa. Ảnh: VGP/Thế Phong
Nghi thức dựng nêu. Ảnh: VGP/Thế Phong


Dựng nêu tại điện Long An. Ảnh: VGP/Thế Phong
Cây nêu thứ 2 dựng tại Thế Miếu. Ảnh: VGP/Thế Phong

Nguồn Chính phủ