Đua ngựa trên cao nguyên trắng
Đã thành lệ, cứ mỗi độ xuân về, khi hoa mận, hoa mơ nở trắng vùng cao nguyên, bà con các dân tộc lại nô nức đổ về xem đua ngựa vùng Bắc Hà (tỉnh Lào Cai). Những kỵ sỹ đua ngựa không ai khác chính là những thanh niên dân tộc Mông, Tày, Nùng… vốn là nông dân bỗng trở thành những “kỵ sĩ chân đất” trong cuộc đua đậm chất dân dã, hoang sơ núi rừng Tây Bắc.
Hình ảnh tại đường đua hàng năm (Ảnh: HồngThảo) |
Ký ức vang vọng…
Kể cả người cao tuổi nhất vùng Bắc Hà cũng không biết chính xác đua ngựa chính thức ở vùng Bắc Hà này có từ bao giờ, chỉ biết nó ăn sâu vào tiềm thức và trở thành tục không thể thiếu của người dân nơi đây. Ông Vàng Văn Nùng, ở thôn Na Áng B, xã Na Hối, huyện Bắc Hà, đã ngoài 60 tuổi, nhưng mỗi dịp nhắc lại chuyện đua ngựa, mắt ông sáng lên và rạo rực như vẫn còn thuở đôi mươi. Ông vẫn còn nhớ như in thời trai trẻ thường xuống chợ vào những ngày cuối tuần. Chợ ngựa họp ngay gần Dinh thự Hoàng A Tưởng. Thanh niên người Mông, Tày, Nùng từ khắp các bản làng đổ về tìm mua những con ngựa tốt nhất. Chính trong các buổi chợ, những cuộc đua nhỏ đã diễn ra. Người bán ngựa muốn bán được giá, thường thách đấu xem ngựa ai khỏe hơn, chạy nhanh hơn. Cứ như thế, những cuộc đua ngựa quy mô lớn hơn được hình thành và trở thành truyền thống của vùng cao nguyên trắng này.
Khi ấy, những cuộc đua diễn ra mộc mạc, phóng khoáng như chính con người nơi đây. Những “kỵ sĩ” người Mông, Tày mặc áo đen hay bộ tà pủ truyền thống, đội mũ nồi, chân đất. Ngựa không yên, không đai nhưng các kỵ sĩ vẫn sôi nổi, quyết liệt trên cung đường đua không vạch vôi. Tham gia cuộc đua thời kỳ sau giải phóng, ông Nùng đã giật giải khuyến khích và phần thưởng là… cái phích nước. Phần thưởng tuy nhỏ, nhưng đó là kỷ niệm, niềm tự hào của một thời trai trẻ. Những cuộc đua ngựa truyền thống bị ngắt quãng đến năm 2007 mới được phục dựng lại và duy trì hàng năm đến nay. Những thế hệ trẻ tiếp tục giữ gìn nét đẹp độc đáo, hoang sơ của vùng núi rừng Tây Bắc. Ngay chính gia đình ông Nùng, các con, cháu ông cũng trở thành những “kỵ sĩ chân đất” tiếp bước truyền thống của cha ông.
Mới đây nhất, trong ngày diễn ra Giải đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà năm 2013, hàng vạn người từ khắp nơi đổ về. Cuộc đua của những thanh niên dân tộc của thế kỷ 21 vẫn là những người chân lấm tay bùn. Những kỵ sĩ chân đất không cần yên ngựa, chỗ để chân; dây cương chỉ là sợi dây thừng… nhưng cuộc đua vẫn diễn ra hào hứng. Điều hấp dẫn của cuộc đua không chuyên là những tình huống hài hước, bất ngờ. Không hiếm trường hợp ngựa đua chạy tắt ngang đường đua, hay chạy lòng vòng trước vạch xuất phát khiến người xem được dịp cười nghiêng ngả.
Điều đặc biệt trong cuộc đua năm nay, những giải quan trọng nhất đều thuộc về anh em ruột nhà Vàng Văn Huỳnh, Vàng Văn Cương và Vàng Văn Quyết đều là con trai và cháu của ông Nùng. Người đoạt giải nhất, Vàng Văn Huỳnh cho biết: Đua ngựa không chỉ đem vinh quan, tự hào về cho bản thân, gia đình mà còn đem đến sự may mắn, vụ mùa tốt tươi cho bản làng trong năm tới. “Đua ngựa không mang nặng tính ăn thua, mà đơn giản, đây là hoạt động văn hóa được tiếp nối qua nhiều thế hệ các dân tộc vùng cao nguyên trắng ra sức giữ gìn”, anh Huỳnh cho biết.
Những “kỵ sĩ” chân đất…
Những kỵ sĩ vốn là nhưng thanh niên nông dân chính hiệu. Nhưng “chơi” ngựa cũng nhiều công phu và “bí kíp” huấn luyện ngựa cũng đậm chất vùng cao. Vàng Văn Cương, sinh năm 1988, đạt giải nhì, cho biết: Ngựa đua cũng chính là phương tiện vận chuyển, dùng thồ ngô, lúa trên nương về. Tuy nhiên, trước dịp đua, ngựa được chăm sóc kỳ công. Ngoài ăn cỏ, ngựa còn được cho ăn ngô, cám ngô thậm chí cho ăn thêm trứng tươi. Nơi tập luyện ngựa chính là… đường cái ở thị trấn, nơi đông đúc người và phương tiện để ngựa quen với tiếng ồn và không sợ hãi. Hoặc tập luyện cho ngựa thuần thục theo dây cương theo lối mòn đi lên nương thồ ngô về.
Đem vinh quang về cho bản làng, 2 anh em Vàng Văn Huỳnh ẵm giải nhất và nhì cuộc đua đã tưng bừng mở rượu ngô ăn mừng cùng bản làng với niềm vui, hi vọng vụ mùa năm tới may mắn, được mùa. Cuộc đua ngựa kết thúc, những kỵ sĩ cũng trở về với cuộc sống thường nhật của người nông dân vùng núi với bao khó khăn, vất vả. Hàng ngày, nhà vô địch 2 năm liền Vàng Văn Huỳnh vẫn đi bốc vác, làm thuê ở thị trấn Bắc Hà trong những ngày nông nhàn. Người em Vàng Văn Cương đưa ngựa đi chạy xe thồ hàng, vật liệu xây dựng ở thị trấn để có thêm thu nhập trong gia đình. Chính ngựa đua trở về là ngựa thồ hàng giúp chủ nhân mỗi ngày kiếm được chưa đầy 1 trăm ngàn đồng.
Anh Vàng Văn Cương chia sẻ: Đua ngựa truyền thống, nên đồ bảo hộ cũng rất thô sơ. Chỉ có mũ bảo hiểm đầu. Nhiều con ngựa đua vẫn chưa thuần sẽ rất nguy hiểm cho các tay đua. Với chị Lý Thị Chứ, vợ anh Cương, niềm vui với chồng giành giải cao thì ít, mà những lo lắng cho chồng thì nhiều. Hàng ngày, chị cùng chồng chăm sóc con tuấn mã. Trong cuộc đua, dù mang bụng bầu, chị vẫn ra tận đường đua, đứng lặng lẽ lo lắng cho chồng, mong sao không gặp bất trắc. Số tiền của giải thưởng, chị lại lo vun vén, chi trả nợ phân, giống của mùa trước.
Khó khăn là vậy, nhưng với anh em nhà họ Vàng này, ngựa như một người bạn thân thiết trong gia đình. Vàng Văn Cương cho biết: Sinh ra ở gần máng ngựa; tiếng vó ngựa vang liền bên tai đến lúc trưởng thành. Từ những ngày chập chững đã được bố mẹ cho ngồi trong gùi treo trên lưng ngựa lên nương. Đến tuổi thanh niên, ngựa cũng là phương tiện chở bạn tình đi hội. Đến nay, ngựa lại là “cần câu cơm” của Cương để nuôi vợ và 2 con nhỏ…
Nguồn ĐCSVN
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.